fbpx

Phải coi công việc thú vị như cuộc sống chứ đừng tìm cách cân bằng

Hai ông Buckingham và Goodall là đồng tác giả của cuốn sách đã xuất bản Nine lies about work (Chín lời nói dối về công việc) cho rằng mong muốn cân bằng giữa công việc và cuộc sống của mọi người chỉ là một khát vọng. Tốt hơn hết là hãy coi công việc cũng thú vị như cuộc sống.

Thách thức mà mọi người thường đặt ra là cân bằng sự nặng nề của công việc với sự nhẹ nhàng của cuộc sống – Ảnh: Time

Mặc dù công việc giúp con người khẳng định mình và kiếm được tiền để sống, mọi người vẫn luôn ngụ ý rằng công việc là xấu, và cuộc sống là tốt; chúng ta đánh mất chính mình trong công việc nhưng thấy mình trong cuộc sống; chúng ta chỉ sống sót trong công việc và chỉ thực sự sống trong cuộc sống. Và vì vậy, thách thức mà mọi người thường đặt ra là cân bằng sự nặng nề của công việc với sự nhẹ nhàng của cuộc sống.

Tuy nhiên, công việc không đối nghịch với cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống – giống như gia đình, bạn bè, cộng đồng và những sở thích cá nhân. Khi mặc định cuộc sống mới tạo ra những khoảnh khắc tuyệt vời và công việc khiến chúng ta mệt mỏi, chúng ta đánh mất khả năng hài lòng về công việc. Có vẻ hữu ích hơn khi chúng ta đừng cố gắng cân bằng những thứ không thể cân bằng mà hãy đối xử với công việc giống như cách bạn làm trong cuộc sống bằng cách hãy yêu nó.

Đừng cố gắng cân bằng những thứ không thể cân bằng mà hãy đối xử với công việc giống như cách bạn làm trong cuộc sống bằng cách hãy yêu nó – Ảnh: Time

Quan sát hai người làm cùng một công việc, chúng ta sẽ thấy sự khác biệt khi mỗi người đón nhận niềm vui trong công việc rất khác nhau. Khi Buckingham và Goodall phỏng vấn hai bác sĩ gây mê, họ nhận ra rằng trong khi chức danh và chức năng công việc của hai bác sĩ giống hệt nhau thì cảm xúc của hai vị bác sĩ trong công việc hoàn toàn khác nhau. Một nam bác sĩ nói rằng ông thích cảm giác hồi hộp khi giữ từng bệnh nhân lơ lửng tại một điểm chính xác giữa sự sống và cái chết, sau đó ông lại rùng mình trước áp lực của việc hồi tỉnh bệnh nhân sau khi ca giải phẫu hoàn tất. Còn nữ bác sĩ cho biết cô yêu thích các cuộc trò chuyện bên giường bệnh nhân trước khi bệnh nhân bắt đầu mê và cảm thấy trách nhiệm phải bình tĩnh để đưa bệnh nhân trở lại ý thức mà khiến họ không bị hoảng loạn hay đau đớn.

Nếu cuộc sống của bạn có nhiều “sợi chỉ đỏ” thì khả năng bạn bị kiệt sức sẽ lâu hơn so với những người khác – Ảnh: Time

Hãy nghĩ về cuộc sống của bạn luôn có nhiều hoạt động khác nhau và có những hoạt động mang dấu hiệu của tình yêu: trước khi bạn thực hiện, bạn thấy mình mong chờ; trong khi bạn làm việc đó, thời gian tăng tốc và bạn thấy mọi việc trôi chảy; sau khi bạn làm xong, bạn cảm thấy được tiếp thêm sinh lực. Đây chính là “những sợi chỉ đỏ” trong cuộc sống của bạn, và nếu cuộc sống của bạn có nhiều sợi chỉ đỏ thì khả năng bạn bị kiệt sức sẽ lâu hơn so với những người khác.

Cách đơn giản nhất để bạn có được “những sợi chỉ đỏ” là dành một tuần yêu công việc của bạn. Bạn nên làm một tấm bảng với hai cột riêng biệt: một bên là cột “Yêu nó” và một bên là cột “Ghét nó”. Trong tuần, bất cứ lúc nào đang làm việc, bạn cảm thấy một trong những dấu hiệu của tình yêu, bạn hãy viết chính xác những gì bạn đang làm trong cột “Yêu nó”. Và bất cứ khi nào bạn thấy mình có tâm trạng chán nản, bạn hãy chần chừ, kéo dài thời gian trước khi viết chính xác những gì bạn đang làm trong cột “Ghét nó”.

Rõ ràng, sẽ có rất nhiều hoạt động trong tuần của bạn không nằm trong danh sách, nhưng nếu bạn dành một tuần để yêu công việc của mình, đến cuối tuần bạn sẽ thấy một danh sách các hoạt động trong cột “Yêu nó” dài hơn so với cột “Ghét nó”. Điều đó sẽ tạo cho bạn một cảm giác tích cực rõ rệt và khác biệt.

Công việc không đối nghịch với cuộc sống, mà là một phần của cuộc sống – giống như gia đình, bạn bè, cộng đồng và những sở thích cá nhân – Ảnh: Time

Nghiên cứu của Buckingham và Goodall tiến hành với những người đang lao động ở 19 quốc gia cho thấy 73% người được hỏi có quyền tự do sửa đổi công việc của mình để phù hợp hơn với thế mạnh của họ nhưng chỉ 18% trong số họ làm như vậy. Thách thức này thuộc về bạn, hãy tìm một công việc có nhiều điều để bạn thích làm hơn là phải chịu đựng một công việc mà bạn luôn muốn trốn thoát.

Chúng ta không nên đấu tranh để cân bằng cả hai công việc và cuộc sống. Thay vào đó, từng chút một, từng tuần một, chúng ta hãy học cách yêu công việc của mình. Điều này không chỉ đơn giản là để làm cho chúng ta cảm thấy tốt hơn, mà để các đồng nghiệp, bạn bè và gia đình của chúng ta đều có thể hưởng lợi từ chúng ta một cách tốt nhất.

Không phải lúc nào chúng ta cũng làm công việc mình yêu thích, nhưng chúng ta luôn có thể tìm thấy tình yêu trong công việc mình làm.

Anh Mi lược dịch

Theo Marcus Buckingham và Ashley Goodall/Time

CÙNG CHUYÊN MỤC