biển – 24h Sống xanh https://24hsongxanh.vn Hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn Thu, 22 Apr 2021 07:45:03 +0000 vi hourly 1 https://24hsongxanh.vn/wp-content/uploads/2019/10/cropped-icon-song-xanh-logo-03-32x32.png biển – 24h Sống xanh https://24hsongxanh.vn 32 32 Biển đầy vết thương https://24hsongxanh.vn/bien-day-vet-thuong/ Thu, 22 Apr 2021 07:39:05 +0000 https://24hsongxanh.vn/?p=58774 bienday-vet-thuong

Trở thành người lướt sóng, tôi nhìn thấy đại dương ở những chân trời khác. Biển hẹp như một đĩa mồi Mỗi khi mở mạng xã hội lên, tôi thường định nghĩa biển là nơi người đẹp vận bikini, những gia đình quây quần bên bàn đầy hải sản. Những con cua to lớn tròn […]

The post Biển đầy vết thương appeared first on 24h Sống xanh.

]]>
bienday-vet-thuong
Trở thành người lướt sóng, tôi nhìn thấy đại dương ở những chân trời khác.

Biển hẹp như một đĩa mồi

Mỗi khi mở mạng xã hội lên, tôi thường định nghĩa biển là nơi người đẹp vận bikini, những gia đình quây quần bên bàn đầy hải sản. Những con cua to lớn tròn mắt đỏ au. Con cá da bò nướng nguyên da còn cười nửa miệng. Đại dương thơm trong đĩa ốc hương xào tỏi hay vỉ mực trắng phau nướng hồng trên than đỏ. Sự vô tận của biển đồng nghĩa với sự giàu có mà con người có thể vục tay xuống rồi biến thành những tờ giấy bạc nhiều giá trị và những căn nhà vài tầng lầu sau vài năm đi bạn trở về.

Ở Nam Mỹ, biển miền Trung Chile lạnh buốt trong buổi sáng cá về. Những con thuyền chững lại giữa vồng sóng khổng lồ, đợi cần cẩu nâng lên khỏi đoạn đầu sóng gãy (đôi khi sóng có thể lật thuyền khi bất ngờ trở mình dữ dội). Trên cầu cảng, thây cá mập to bằng bắp chân người lớn hoặc bằng cả đứa trẻ nằm la liệt. Thân bị cắt đôi. Nửa phần vương vãi. Ngấn thịt màu xám và trắng xóa trong tiết trời lạnh. Bầy hải âu và bồ nông sà xuống, vẫy vùng vài đợt thây cá tan thành bọt biển.

Người miền Trung Chile gần như không thấy ích lợi gì từ thịt cá mập. Chúng vướng vào lưới trong chuyến đánh bắt đêm khuya. Cựa mình. Rách tươm. Vỡ đôi. Lưới cá rùng rục rời khỏi mặt nước khi ròng rọc điện bắt đầu chạy. Từng tấn cá chuyển vào container, cần xé, xe hơi, xe tải… Vài chục thây cá mập dần bị quăng xuống nước, bị quắp đi. Vô tri. Không ai màng.

bienday-vet-thuong
Mexico và vùng vịnh biển ở một trong những bờ biển đẹp nhất về phía Thái Bình Dương – là nơi trú đông của người Bắc Mỹ.

Giữa nghĩa địa của sự sống phí hoài vô nghĩa, sự sinh tồn của đại dương bé lại. Nó không còn là những ngôi nhà vài tầng lầu, chuyến đi bạn sung túc đúng mùa gió lặng, không còn là tấn hải sản trắng phau lấp lánh bơi giữa làn đá lạnh buốt chuyển vào thùng xe đến nhà hàng trong thành phố. Đại dương chỉ là vài nhịp tim gãy đôi vì lưới cá bén nhọn cắt đôi chúng sinh vô tội (và cũng chẳng có ý nghĩa gì sau cuộc tàn sát ấy).

Hôm ấy, khi tôi bơi trên tấm ván ra ngoài mũi sóng, bầy cá nhỏ lấp lánh nửa xám nửa xanh biếc vòng qua tôi như một dải màu biết thở. Tôi thấy tay mình lạnh căm – lấm lem những máu và thân tàn ma dại của con cá mập tôi kịp nhìn vào ánh mắt bàng hoàng. Tôi dần thuyết phục bản thân tin rằng đại dương chứa những chiều không gian khác mình bị che mờ vì thế giới cách ngăn. Mình tầm phào và vô minh. Nhưng không vì thế mà biển tối giản thành vi cá mập nấu cháo và sự giàu có đếm bằng tờ giấy in hình số.

Ở West Java, mùa hè sóng đẹp như múi cơ bắp uyển chuyển săn chắc của một người thợ chài hong nắng suốt tuổi trẻ. Tôi lặn xuống một rặng đá nhỏ chìa ra khỏi đảo, để tâm trí lang thang theo một con cá miệng hồng thân bạc lướt qua. Chú dùng chiếc mỏ hô rỉa những neo cỏ biển xanh đậm lơ thơ bám vào đá. Vòng sinh sôi tiếp diễn ngay trong khoảnh khắc tôi có thể nhìn thấy được. Khi dùng hết sức mình đón một cơn sóng, đứng lên khỏi ván, bàng hoàng nhận ra bầy cá nhỏ xíu bơi theo chú cá hồng ban nãy cũng vẫy vùng bám lấy cơn sóng, đi cùng tấm ván trong cơn hưng phấn hào sảng của đợt sóng.

Người Indonesia có biển bên hiên nhà. Đêm cá về, cả làng ra đón. Những chiếc thuyền rồ ga, chạy thẳng lên mặt cát. Trên thuyền, lưới cá nặng chịch. Cũng hàng tấn cá đó tải đầy xe đông lạnh, những cần xé đầy liếm miệng chở ra chợ sáng. Nhưng ngay bên bờ biển, những con cá nào không bán, không ăn, người thợ chài thả xuống mặt cát. Bọn trẻ con nhặt từng con cá, ném về phía biển. Chiếc đuôi vẫy vùng bơi nhanh theo đợt sóng ập vào. Vẫn có thây ma vô phước mắc kẹt lại bên bờ biển. Theo sóng dần lạc mất.

Chỉ vài giờ sau, bãi biển yên lặng như chưa từng có cuộc mổ xẻ để sự giàu có nhân lên cho dân xứ đảo ngàn đời. Người Indo là cư dân phụ thuộc vào nguồn cá hàng đầu thế giới. Hầu hết thực phẩm, dinh dưỡng, sự sống họ có được đến từ nguồn cá biển ban tặng. Quốc gia hơn 17.000 hòn đảo khổng lồ này cũng là nơi sở hữu hệ sinh thái biển giàu và đa dạng lớn nhất thế giới. Mỗi chú cá mà tụi trẻ con thả về mép nước rồi sẽ lại trở thành đàn cá lớn cho buổi chợ đêm. Trên những hòn đảo lớn, khi chùm rác nhựa khổng lồ dạt vào ven biển, những người Indonesia tôi gặp thường nói: họ sợ cá sẽ mắc kẹt, sẽ chết, sẽ ngộp thở đớp nhầm mảng nhựa. Sợ cá không còn. Sợ bữa ăn đói dần như nước nhạt.

Tâm thế của người ở biển gắn với dòng chảy tạo sinh họ. Biển đối kháng như loài quái vật ngủ yên trên vùng vịnh sóng dữ Punta de Lobos. Yên lặng như bờ cõi tạo thành Panama City xanh biếc phía trong bãi bùn nước lợ phơi mình giữa hai bên dòng biển. Xanh đẫm màu trời và quảng đại như đại dương Indonesia. Nhưng rồi, trên những chuyến đi dài, tôi gặp biển của người Mexico. Từ California (Mỹ), đi thẳng xuống miền nam tới mũi đất Baja California (Mexico), những khối đất khổng lồ chắn trước biển như mảng màu mạnh tay của đấng sáng tạo táo tợn và quảng đại.

Biển trong cuộc rời đi

Từ Punta de Mita, những buổi chiều trên mặt sóng, tôi được gặp chú rùa màu xanh lá với những khoang vàng chuyển sang nâu. Chú lững thững đi qua từng tầng nước, gặm cỏ biển, rong rêu, trồi lặn chậm chạp đón hơi mặt trời vuốt qua làn nước. Vài ngày sau, bên cạnh chú là người bạn khác, một bạn rùa mai nâu đậm khối dày như chiếc tàu ngầm lừng lững đi tuần quanh vịnh. Có hôm khi ngã xuống khỏi cơn sóng, chú bơi ngay cạnh bên, gần như có thể chạm tay vào.

Rồi khi dòng nước chuyển mình, những bầy cá lớn bạo dạn tiến lại thật gần bờ nước. Ngư dân trong làng chăng lưới cá khắp bề mặt nước. Một lần tôi thả ván lặn xuống sâu, lưới cá giăng mắc như mê cung, sắc lẻm đe dọa, quấn quýt thành tầng tầng lớp lớp đến tận ngoài xa tầm người không bơi tới. “Liệu chú rùa có biết lách qua lưới không?”

bienday-vet-thuong
Nghề cá ở Indonesia.

Câu trả lời đến trong buổi chiều âu lo đó. Tôi đang bơi gần bãi đá ngầm và đoạn cuối của lưới cá. Thình lình, ngay lúc đó một cậu trai người địa phương nhảy khỏi ván, lặn ngụp gần lưới nhiều lần, như vật lộn với thứ gì đầy lực cản bên dưới. Cậu trồi lên hớp một ngụm nước, rồi lặn xuống, rồi trồi lên, vài lần như vậy. Khi chúng tôi tưởng cậu đuối nước cần cứu giúp, nhiều người bơi lại gần.

Lúc đó, cậu túm một đoạn lưới rồi trồi lên. “Con rùa”, “Con rùa”, cậu vuốt bộ mặt đầy nước. Hóa ra, chú rùa mắc một chân vào lưới, quẫy đạp. Phải gỡ lưới ra nhưng không thể xé rách (lưới là tài sản của người làng), cậu bèn lặn xuống, nhìn cách mắt lưới quàng quấn chân rùa, rồi bơi vài vòng, vật lộn với chú rùa đang hoảng loạn, tìm đủ cách nới lỏng dần đoạn lưới bám vào chân, cho đến khi chú rùa có thể thoát được bơi đi.

Tai nạn qua đi, tôi thấy bóng rùa lướt qua đáy nước, rồi hòa tan vào màu của ánh sáng. Biến mất. Rồi dòng biển cũng trở mình, cá không còn vào sát bờ nữa. Mấy tấm lưới được tháo bỏ, trả lại sự tự do cho biển. Thỉnh thoảng buổi trưa hè thả mình nổi trên mặt nước, tôi cố gắng nhớ lại hai tấm mai vòng như chiếc tàu lùi lũi quét qua từng thớ đá, góc rong rêu. Chú rùa không trở lại bãi biển.

Biển Punta de Mita kỳ diệu như trong câu chuyện đầy phép thuật ma mị khiến người đi trong dãy phố và tưởng nhớ về ngày sống tươi đẹp mà mình chưa được diện kiến cho đến khi hóa thành chiếc hộp sọ cười nhởn nhơ trong Lễ hội Người chết hân hoan. Tôi bơi qua những mùa lấp lóa, thỏa mãn chơi bên ngàn con sóng, nhưng không sao rũ bỏ được sự nhớ thương ngấm ngầm sinh vật lạ kỳ vẫn thường rong chơi cạnh mình suốt bao tháng ngày, giờ biến mất sau một lần dính vào lưới cá, với cực cùng hoảng sợ trong cuộc lưu vong qua miền biển cả.

Một lần nọ, trong giấc mơ, tôi thấy biển bỏ con người đi – không phải khối thể nước vô tận kia – mà những cư dân tạo thành linh hồn của biển, chối từ sống bên cạnh để đối mặt với mưu chước không khoan nhượng của loài người. Cơn đói trở nên rất thật – là con cua giương mắt nhìn trong nồi hấp nồng nhiệt, là món thịt rùa chưng cả thây mai lên bàn tiệc, là lời ngoa ngôn trên truyền hình Nhật Bản ngợi ca nghề giết cá voi. Sự thịnh vượng dát đầy thành quách có ám mùi của biển trong cơn bốc mùi hoại tử.

Tôi thình lình thấy biển nuốt chửng mình – trong sự cô đơn của loài lây lan như dịch bệnh.

Bài và ảnh: Khải Đơn

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/bien-day-vet-thuong-28055.html

The post Biển đầy vết thương appeared first on 24h Sống xanh.

]]>
Trước năm 2048, các đại dương có thể không còn cá https://24hsongxanh.vn/truoc-nam-2048-cac-dai-duong-co-khong-con-ca/ Fri, 26 Mar 2021 02:45:03 +0000 https://24hsongxanh.vn/?p=57348 truoc-nam-2048-cac-dai-duong-co-khong-con-ca

Kết cục này được giới khoa học cảnh báo trong bộ phim tài liệu về những hệ lụy của tình trạng đánh bắt cá quá mức đang đẩy các đại dương đến bờ vực của sự hủy diệt. Bộ phim tài liệu Seaspiracy của đạo diễn Ali Tabrizi có thể khiến khán giả cảm thấy […]

The post Trước năm 2048, các đại dương có thể không còn cá appeared first on 24h Sống xanh.

]]>
truoc-nam-2048-cac-dai-duong-co-khong-con-ca

Kết cục này được giới khoa học cảnh báo trong bộ phim tài liệu về những hệ lụy của tình trạng đánh bắt cá quá mức đang đẩy các đại dương đến bờ vực của sự hủy diệt.

Bộ phim tài liệu Seaspiracy của đạo diễn Ali Tabrizi có thể khiến khán giả cảm thấy bị sốc và kinh hoàng trước những gì diễn ra trên màn hình.

Rác thải nhựa đang là mối đe dọa sự tồn tại của nhiều sinh vật đại dương

Sự thật đáng buồn và kinh hoàng

Một trong những tác nhân góp phần hủy diệt môi trường sinh thái biển là nhựa. Theo giới vận động môi trường, nhựa sử dụng một lần đang giết chết loài cá voi, cá heo… Tuy vậy, thủ phạm lớn nhất vẫn là con người. 

Tại Nhật Bản có hẳn một vùng biển mà loài cá heo bị tàn sát và bắt không thương tiếc.

Trong khi đó, tại Hồng Kông, 50% lượng vây cá mập trên toàn thế giới được xuất khẩu qua thành phố cảng này. Hoạt động mua bán mặt hàng này diễn ra tấp nập trong lúc không ai quan tâm đến tầm quan trọng của cá mập đối với hệ sinh thái toàn cầu. 

Theo giới hoạt động sinh vật biển, nếu không có cá mập trong đại dương, nhân loại sẽ bị diệt vong. Mặc dù chúng ta vẫn khăng khăng cho rằng cá mập là kẻ thù mà con người phải chế ngự.

Dựa vào các cuộc khảo sát biển trong vài năm qua, các nhà hoạt động cảnh báo sự thật đáng buồn và kinh hoàng: Trước năm 2048, các đại dương có thể không còn cá mập cũng như nhiều loại cá khác. Hiện tại, ước tính 50 triệu con cá mập bị bắt và giết nhầm mỗi năm. Không có ngành nào khác giết chết nhiều loài động vật như ngành đánh bắt hải sản.

Những chiếc tàu cá phục vụ nhu cầu ăn hải sản ngày càng tăng của con người

Hải sản thay thế từ thực vật là giải pháp

Vị đạo diễn bộ phim tài liệu đặt câu hỏi: Làm sao những người kêu gọi hạn chế sử dụng đồ nhựa lại có thể ăn cá, khi lưới đánh cá chiếm 48% lượng nhựa trong các đại dương và các loại ngư cụ khác chiếm phần lớn lượng nhựa còn lại? 

Theo vị đạo diễn, có sự mâu thuẫn đang tồn tại trong thông điệp kêu gọi hạn chế sử dụng đồ nhựa trong lúc ủng hộ đánh bắt thủy sản bền vững. Tabrizi cho rằng thông điệp quan trọng là mọi người nên ngừng hoặc giảm tiêu thụ cá nếu không muốn lượng nhựa từ lưới đánh cá tiếp tục tràn vào đại dương. 

Tabrizi chia sẻ thêm: “Hải sản bền vững là một khái niệm nửa vời. Một trong những loại hải sản mà tôi quyết định ngừng ăn là tôm, do nhận biết tình trạng lao động nô lệ tràn lan trong ngành đánh bắt, chế biến tôm.” 

Bộ phim nêu trên cũng đề cập mối liên hệ giữa sức khỏe của các đại dương và cuộc khủng hoảng khí hậu do con người gây ra. Không phải ai cũng biết 92% tổng lượng CO2 được lưu trữ trong hệ sinh thái biển. Chúng ta không thể ngăn tình trạng biến đổi khí hậu nếu không có biện pháp bảo vệ các đại dương. Và cách tốt nhất là để môi trường đại dương được yên ổn.

Tình trạng đánh bắt cá thương mại tràn lan là chỉ dấu báo trước sự tuyệt chủng của tất cả các loài cá và sinh vật biển, từ cá voi đến rùa, rạn san hô đến cá cơm. 

Tuy nhiên, bộ phim tài liệu kết thúc với một điểm tích cực: Hải sản thay thế như tôm được chế biến dựa trên thực vật có thể là giải pháp cho việc cứu các đại dương. Điều này là khả thi nếu nhiều người trong chúng ta sẵn sàng thay đổi thói quen ăn hải sản.

“Nếu bạn vẫn có thể ăn cá sau khi xem bộ phim này, thì chúng ta không giống nhau đâu,” vị đạo diễn nói nửa đùa nửa thật.

Thiệu Kiệt

(theo GreenQueen)

The post Trước năm 2048, các đại dương có thể không còn cá appeared first on 24h Sống xanh.

]]>
Vì sao giặt đồ cũng gây hại cho đại dương? https://24hsongxanh.vn/vi-sao-giat-cung-gay-hai-cho-dai-duong/ Mon, 15 Jun 2020 11:06:39 +0000 https://24hsongxanh.vn/?p=39990 giat-do-gay-hai-cho-dai-duong

Ít ai ngờ, việc giặt đồ mỗi ngày của các hộ gia đình trong thành phố có thể góp phần vào tình trạng thải vi nhựa vào đại dương.  Ngoài khơi bờ biển Cullercoats, Đông Bắc nước Anh, các nhà nghiên cứu thiết lập một đường ống dài xuống đáy Biển Bắc. Thiết bị này […]

The post Vì sao giặt đồ cũng gây hại cho đại dương? appeared first on 24h Sống xanh.

]]>
giat-do-gay-hai-cho-dai-duong

Ít ai ngờ, việc giặt đồ mỗi ngày của các hộ gia đình trong thành phố có thể góp phần vào tình trạng thải vi nhựa vào đại dương. 

Ngoài khơi bờ biển Cullercoats, Đông Bắc nước Anh, các nhà nghiên cứu thiết lập một đường ống dài xuống đáy Biển Bắc. Thiết bị này được dùng để thu thập các mẫu động vật phù du siêu nhỏ, đóng vai trò như chỉ dấu cho tình trạng sức khỏe của đại dương.

Cứ mỗi lần giặt đồ, chúng ta lại thải ra môi trường hàng triệu sợi microfiber

Thải ra môi trường hàng triệu sợi microfiber

Phòng thí nghiệm của Đại học Newcastle đã thu thập các vi sinh vật từ vùng biển này trong 50 năm qua, để làm sáng tỏ tác động của việc thay đổi mức độ dinh dưỡng trong lòng đại dương và hiện tượng nóng lên toàn cầu. Nghiên cứu các mẫu thu thập được, các chuyên gia nhận ra mối đe dọa ngày càng tăng nhưng gần như vô hình đối với đại dương: Microplastic (vi nhựa).

Microplastic là loại nhựa có đường kính khoảng 5 mm, chiếm gần 1/5 trong số 8 triệu tấn nhựa tập kết ở các đại dương mỗi năm. Trong số này, các sợi cực nhỏ được gọi là sợi microfiber – phần lớn đến từ loại vải tổng hợp.

Các nhà nghiên cứu ở Đại học Newcastle quan ngại rằng nhiều người không có ý niệm gì về tác hại của việc giặt đồ đối với đại dương

Nhà nghiên cứu Max Kelly cho hay: “Công việc của chúng tôi tập trung vào nghiên cứu polyester, loại sợi tổng hợp được sử dụng phổ biến trong ngành dệt may. Chúng tôi đang xem xét những gì xảy ra khi chúng ta giặt quần áo, những sợi polyester nào được thải qua các đường ống thoát nước ra đại dương, nơi chúng có thể bị các sinh vật biển nuốt chửng trong phạm vi rộng. Rồi thì con người lại hấp thụ vi nhựa khi ăn hải sản.”

Theo giới nghiên cứu, cứ mỗi lần giặt đồ, chúng ta lại thải ra môi trường hàng triệu sợi microfiber. Mặc dù các nhà máy xử lý nước thải có thể chặn lại 99% trong số đó, phần còn lại cuối cùng có thể chảy vào các sông suối và cuối cùng đổ ra đại dương. Do vậy mà con đường của sợi microfiber từ máy giặt vào môi trường khá dễ dàng.

Mối đe dọa vô hình

Lâu nay, nói đến ô nhiễm đại dương, người ta thường chú ý nhiều đến tác hại của các loại túi nylông, chai lọ và lưới đánh cá bị vứt bỏ đối với sinh vật biển. Tuy vậy, những chất gây ô nhiễm này chỉ đe dọa đến các loài động vật biển có kích cỡ lớn, trong lúc các loại vi nhựa được ghi nhận làm gián đoạn chuỗi thức ăn ở đại dương.

Viện thí nghiệm biển Dove, cho biết, các sợi microfiber tác động ngay lập tức đến các vi sinh vật, hành vi ăn, sinh sản và phát triển ấu trùng. Điều này có thể ảnh hưởng đến sức khỏe của toàn bộ hệ sinh thái biển.

Có ghi nhận rằng thay vì ăn những gì chúng thật sự cần, các vi sinh vật đang ăn vi nhựa do vậy chúng không nhận được lượng chất dinh dưỡng cần thiết nên không phát triển được. Trong khi đó, chúng là thức ăn cho các loài lớn hơn, và khiến các loài này cũng không nhận được lượng chất dinh dưỡng cần thiết. Về tổng thể, đó là hệ lụy dây chuyền, khiến các loài sinh vật biển ngày càng kém dinh dưỡng hơn. Có những lo ngại rằng những hạt vi nhựa này cuối cùng có thể kết thúc vòng đời trên bàn ăn của chính chúng ta. 

Ngành dệt may toàn cầu hiện sản xuất hơn 40 triệu tấn vải tổng hợp mỗi năm

Mặt trái của vải Polyester

Theo giới nghiên cứu, nguyên nhân mấu chốt của vấn đề là ngành dệt may toàn cầu hiện sản xuất hơn 40 triệu tấn vải tổng hợp mỗi năm. Phần lớn trong số này là quần áo polyester, chất liệu tuyệt vời để sản xuất quần áo. Loại vải này thoáng khí, thích hợp cho người tham gia các hoạt động thể thao và ngoài trời. Chất liệu vải này cũng mau khô, có giá rẻ mà lại bền và nhẹ. Tuy nhiên, mặt trái của sợi polyester thì chỉ mới được nghiên cứu gần đây.

Các nhà nghiên cứu người Anh đã làm việc với tập đoàn đa quốc gia Procter & Gamble, công ty chuyên sản xuất chất tẩy rửa, để tìm hiểu thói quen giặt giũ của cá nhân có thể ảnh hưởng đến số lượng sợi microfiber  được thải ra mỗi lần giặt. Các nghiên cứu của họ cho thấy chế độ giặt cho loại quần áo mỏng có thể thải ra hơn 800.000 microfiber so với chế độ giặt  thông thường.

Nhà nghiên cứu Max Kelly đưa ra lời khuyên: “Mọi người nên quan tâm đến chuyện giặt giũ và tác hại đối với đại dương. Bởi nếu chúng ta có ý thức về vai trò của mình, chúng ta sẽ góp tác động tích cực vào đại dương.” 

Thiệu Kiệt

(theo CNN)

The post Vì sao giặt đồ cũng gây hại cho đại dương? appeared first on 24h Sống xanh.

]]>
Đại dương có nguy cơ bị hủy diệt trước khi được khám phá hết https://24hsongxanh.vn/dai-duong-co-nguy-co-bi-huy-diet-truoc-khi-duoc-kham-pha-het/ Mon, 08 Jun 2020 06:44:00 +0000 https://24hsongxanh.vn/?p=39358

Nhân ngày Đại dương Thế giới 8/6, các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến cáo rằng con người có nguy cơ hủy diệt đại dương trước khi khám phá hết các loài sống ở vùng nước xanh. Các đại dương được biết đến là nơi sinh sống của những sinh vật lạ lùng như sứa, […]

The post Đại dương có nguy cơ bị hủy diệt trước khi được khám phá hết appeared first on 24h Sống xanh.

]]>

Nhân ngày Đại dương Thế giới 8/6, các nhà nghiên cứu đưa ra khuyến cáo rằng con người có nguy cơ hủy diệt đại dương trước khi khám phá hết các loài sống ở vùng nước xanh.

Các đại dương được biết đến là nơi sinh sống của những sinh vật lạ lùng như sứa, cá ngựa đầy màu sắc và loài mực phát sáng.

Tình trạng axit hóa đại dương đe dọa sự tồn tại của nhiều sinh vật biển

80% các đại dương chưa được khám phá

Brian Skerry, nhà thám hiểm đại dương, cho biết: “Những quyết định và chọn lựa mà chúng ta đưa ra hôm nay sẽ quyết định tương lai của các loài dưới nước.”

Ước tính 80% các đại dương trên thế giới vẫn chưa được khám phá, với một loạt các loài chưa được con người tìm hiểu, theo Cơ quan Khí quyển và Đại dương Quốc gia Mỹ.

Trong khi đó, theo một nghiên cứu của Diễn đàn Kinh tế Thế giới, 8 triệu tấn nhựa được đổ vào các đại dương mỗi năm và con số này đang tăng đều đặn. Các đại dương, nơi sinh sống của các loài từ sứa đến hải cẩu và rùa đã bị đe dọa trong những năm gần đây do ô nhiễm và tình trạng đánh bắt cạn kiệt. Con người bị quy trách nhiệm cho việc khiến nhiều loài ở đại dương nay đã tuyệt chủng.

Cá heo là loài luôn chào đón con người khám phá đại dương

Đại dương là nhà của một số động vật lớn nhất thế giới, như cá voi lưng gù. Theo National Geographic, cá voi lưng gù được tìm thấy ở khắp các đại dương. Loài này chủ yếu ăn động vật nhuyễn thể, sinh vật phù du và các loại cá nhỏ. Cá voi giao tiếp và thu hút bạn tình thông qua “bài hát rap” cất hàng giờ nghe có vẻ như chúng đang rên rỉ.

Đại dương cũng là nơi sinh sống của những loài được ghi nhận “sống từ muôn kiếp trước”, như loài sứa đã tồn tại qua khoảng 500 triệu năm và được hình thành từ 95% là nước. 

Cá voi sát thủ, thuộc họ cá heo đại dương, là loài săn mồi đỉnh cao ở đại dương và không có kẻ thù tự nhiên xứng tầm nào ngoài con người

Axit hóa đại dương

Tuy vậy, các loài cá nhỏ và cua sống trong các rạn san hô đang gặp nhiều rủi ro bởi tình trạng axit hóa đại dương. Đây là hiện tượng giảm nồng độ pH liên tục trong các đại dương trên trái đất do sự hấp thu khí CO2 mà quá trình tác động của con người thải ra khí quyển.

“Axit hóa đại dương có nghĩa là bất cứ thứ gì có canxi sống trong đại dương đều đang bị xói mòn bởi nước biển. Các rạn san hô và vỏ sò và một ít tetrapod là nguồn protein cơ bản cho nhiều loài sinh vật đại dương có nguy cơ biến mất. Đây là hiệu ứng khủng khiếp,” Skerry giải thích. 

Tôm hùm biến các trụ giao thông, mảnh nhựa thành nơi trú ẩn

Hiện tại, các sinh vật biển đang cố gắng hết sức để thích nghi với đủ mọi loại rác thải mà con người ném xuống đại dương.

Người ta có thể bắt gặp các con tôm hùm biến các trụ giao thông, mảnh nhựa thành nơi trú ẩn. 

Nicholas Samaras, thợ lặn, cho biết: “Đại dương đang bị ảnh hưởng trầm trọng bởi các hoạt động của con người. Thật không may, đánh bắt quá mức, ô nhiễm, giao thông hàng hải, rác thải nhựa và hiện tượng nóng lên toàn cầu đang góp phần vào sự thay đổi. Nên nhớ là các đại dương ảnh hưởng đến cả các sinh vật sống trong đó và những người sống nhờ sinh vật biển.”

“Những chỉ dấu cho thấy đại dương đang bị hủy hoại càng lúc càng rõ ràng hơn, nhưng tiếc là con người chỉ nhận ra những sai lầm khi quá muộn, trừ khi chúng ta thay đổi thói quen và cách suy nghĩ. Đã đến lúc bắt đầu tôn trọng hành tinh này bằng cách ứng xử thận trọng với đại dương.”

Thiệu Kiệt

(theo Insider)

The post Đại dương có nguy cơ bị hủy diệt trước khi được khám phá hết appeared first on 24h Sống xanh.

]]>