Biến rác thải đại dương thành sneaker sành điệu
Một số hãng giày thể thao đã hô biến rác thải nhựa thu gom từ đại dương thành sneaker vừa đẹp vừa mang tính bền vững.
Lâu nay, các nhà vận động môi trường vẫn bày tỏ quan ngại về mức độ gây ô nhiễm môi trường của các hãng giày. Trong số này, Adidas được ghi nhận sản xuất hơn 400 triệu đôi giày mỗi năm. Việc sản xuất lượng giày đó đòi hỏi rất nhiều tài nguyên cũng như thải hàng tấn rác thải nhựa ra môi trường mỗi năm.
“Nhựa đại dương”
Thực trạng này khiến các chuyên gia môi trường dự đoán rằng trong 30 năm nữa, sẽ có nhiều nhựa trong đại dương hơn là cá tôm. Theo một cuộc khảo sát môi trường biển gần đây, ước tính rằng 90% loài chim biển đã ăn phải rác thải nhựa mà chúng tưởng là thực phẩm.
Từ những năm qua, Adidas hợp tác với tổ chức môi trường Parley for the Oceans để từng bước biến rác nhựa ở biển thành trang phục thể thao.
Hãng này dự kiến sản xuất 11 triệu đôi giày tái chế từ lượng nhựa được thu gom từ đại dương.
Con số này được cho là ngăn 2.810 tấn nhựa phán tán tại các đại dương.
Để làm được điều này, các tình nguyện viên của Parley và đối tác thu gom rác nhựa từ các khu vực ven biển như Maldives.
Rác thải sau đó được phân loại và được gửi đến một nhà máy chế biến của Adidas.
Hãng giày tận dụng các loại chai nhựa có chứa polyethylene terephthalate, hoặc PET.
Các mảnh nhựa được hun nóng, làm khô và làm mát, sau đó cắt thành những viên nhỏ. Chúng được nấu chảy để tạo thành sợi, cho ra chất liệu gọi là nhựa đại dương, một dạng sợi polyester.
Tại nhà xưởng, chất liệu mới được sử dụng để may giày và trang phục như áo thi đấu dành cho vận động viên.
Mỗi mặt hàng trong bộ sưu tập Parley được chứng nhận là làm từ ít nhất 75% rác nhựa từ đại dương được thu thập.
Điểm đặc biệt là sneaker từ nhựa đại dương được công nhận có chất lượng tương đương với các loại giày khác được làm từ chất liệu thông thường.
Trong khi đó, polyester tái chế được ghi nhận sử dụng ít nước và ít hóa chất hơn trong quy trình sản xuất.
Giày Futurecraft Loop có thể tái chế 100%
Mục tiêu của Adidas là thay thế tất cả polyester nguyên chất bằng polyester tái chế trước năm 2024. Hiện tại, hơn 40% trang phục, giày của hãng này đã sử dụng polyester tái chế.
Tỷ lệ cao đến mức bạn có thể đã thấy quần áo thể thao, sneaker tái chế tại các cửa hàng mà không nhận ra sự khác biệt.
Tuy vậy, trên thực tế, việc tận dụng polyester tái chế không loại bỏ hoàn toàn vấn đề ô nhiễm nhựa. Việc giặt quần áo polyester có thể tạo ra các sợi nhỏ mà có thể kết thúc trong đại dương.
Do vậy, hãng kinh doanh trang phục thể thao đề nghị khách hàng giặt quần áo của họ ít thường xuyên hơn.
Bên cạnh đó, Adidas cũng đang phát triển đôi giày Futurecraft Loop có thể tái chế 100% sau khi bị bỏ đi. Đôi giày này có thể được trả lại cho nhà sản xuất và chia nhỏ từng phần để tạo ra đôi giày hoàn toàn mới. Dự kiến dòng sản phẩm mới sẽ được bày bán trước cuối năm 2021. Đó là bước tiến lớn để hướng tới tương lai bền vững.
Ngoài Adidas, Vivobarefoot, một công ty sản xuất giày chạy bộ của Anh quốc, cho biết thay vì chờ đợi các tác nhân sinh học giúp phân hủy nhựa đang gây ô nhiễm các đại dương, họ tái chế rác nhựa này thành giày thể thao cao cấp. Hành động này được công ty xem như cách nâng cao nhận thức về ô nhiễm rác thải toàn cầu.
Mỗi đôi sneaker của Vivobarefoot được chế tạo từ 17 vỏ chai được thu gom từ trong lòng đại dương. Đôi giày thể thao thân thiện với môi trường, mang là cảm giác thoải mái và an toàn cho sức khỏe của người tiêu dùng. Dòng sản phẩm mới từ nhựa tái chế của Vivobarefoot được ghi nhận đa dạng trong công năng, thích hợp cho việc chạy bộ, đi bộ đường dài cho đến dạo phố.
Thiệu Kiệt
(theo DeZeen)