fbpx

Bao giờ ‘thành phố không ngủ’?

Từng đặt mục tiêu ‘thành phố không ngủ’ nhưng đến nay TP.HCM vẫn chỉ dừng lại ở một điểm trung chuyển.

Phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) nhộn nhịp du khách về đêm. Ảnh: Ngọc Dương
Phố đi bộ Bùi Viện (Q.1, TP.HCM) nhộn nhịp du khách về đêm. Ảnh: Ngọc Dương

Đặc biệt các dịch vụ về đêm thì nghèo nàn, thiếu thốn khiến du khách có tiền cũng không có nơi tiêu, ngoài việc quay về khách sạn để… ngủ.

“Cô chỉ cần ở TP.HCM 1 đêm thôi là đủ rồi, sau đó chúng ta sẽ đi các tỉnh miền Trung rồi dọc ra mạn Bắc, nếu còn thời gian”. “Sao không để cô ấy ở lại TP chơi thêm vài ngày?”. “Sài Gòn có gì chơi đâu, dẫn đi thăm nhà thờ Đức Bà, bưu điện, tối ra Bùi Viện là hết TP rồi”. Đó là cuộc hội thoại giữa một giáo viên người Úc đang có ý định sang VN du lịch 2 tuần và người bạn ở VN. Đây không phải trường hợp duy nhất “xúi” bạn đi du lịch nơi khác vì “Sài Gòn không có gì chơi”.

Từ “phương án chữa cháy” của Trung Quốc…

Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Mai Tiến Dũng vừa ký văn bản gửi các bộ Kế hoạch – Đầu tư, Tài chính, Công thương và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc. Theo đó, chính phủ Trung Quốc đã ban hành chính sách thúc đẩy kinh tế ban đêm (hỗ trợ trực tiếp các hoạt động dịch vụ, kinh doanh từ 20 giờ – 6 giờ sáng hôm sau) trong bối cảnh kinh tế nước này tăng trưởng thấp do ảnh hưởng tiêu cực từ cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ.

Về việc này, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ liên quan và các địa phương chủ động nghiên cứu chính sách kinh tế của Trung Quốc. Được biết, chính sách hỗ trợ các dịch vụ, kinh doanh ban đêm được Trung Quốc áp dụng tại một số thành phố lớn, trong đó có Bắc Kinh. Theo đó, thay vì hoạt động tới nửa đêm và đóng cửa cho tới sáng, nhiều cơ sở kinh doanh dịch vụ của Trung Quốc đang được khuyến khích mở cửa theo khung giờ mới từ 18 giờ – 6 giờ sáng hôm sau.

Dịch vụ về đêm là những sản phẩm "móc hầu bao" du khách tốt nhất. Ảnh: Ngọc Dương
Dịch vụ về đêm là những sản phẩm “móc hầu bao” du khách tốt nhất. Ảnh: Ngọc Dương

Ở Bắc Kinh, chính quyền cam kết hỗ trợ 700.000 USD cho các hoạt động phát triển kinh doanh ban đêm tại 10 con phố với các hàng ăn ban đêm, 16 chợ đêm và các cửa hàng tiện lợi mở 24/7 tại Bắc Kinh. Các hộ kinh doanh nhỏ lẻ cũng sẽ được hỗ trợ khoảng 70.000 USD. Chính sách này tuy mới được áp dụng nhưng đã ngay lập tức đem lại hiệu quả khi theo một số liệu thống kê chưa chính thức, tại các con phố đi bộ như Wangfujing, Qianmen, Xidan hay khu trung tâm Sanlitun, doanh số tại các cửa hàng tăng trên 50% trong vòng 3 tháng qua.

Đây không chỉ là “giải pháp cấp cứu” của Trung Quốc nhằm tăng nguồn thu cho nền kinh tế khi cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ nổ ra. Khoảng 2 năm trở lại đây, ngoài Bắc Kinh, nhiều thành phố lớn như Thượng Hải, Thiên Tân… cũng đã thực hiện chính sách thúc đẩy nền kinh tế ban đêm thông qua biện pháp trợ cấp tiền mặt cho các hộ kinh doanh.

Ăn, chơi đều thiếu

Thực ra không phải đến khi Trung Quốc tuyên bố kích hoạt kinh tế ban đêm, câu chuyện sản phẩm du lịch về đêm tại các TP lớn, TP du lịch của nước ta mới được nhắc tới. Trong suốt hơn 1 thập niên qua, nhiều nhà nghiên cứu, các doanh nghiệp (DN) du lịch đã chỉ ra rằng sự nghèo nàn sản phẩm du lịch sau 20 giờ chính là nguyên nhân cốt lõi khiến doanh thu ngành du lịch luôn ở mức thấp so với sự tăng trưởng về số lượng khách.

Việc thiếu thốn các điểm vui chơi giải trí về đêm không chỉ khiến chúng ta không thu được tiền từ du khách quốc tế mà còn khiến một lượng ngoại tệ không nhỏ chảy ra nước ngoài khi người VN đi du lịch nước ngoài ngày càng nhiều. Chị Hải Yến (TP.HCM) cho biết một năm nhà chị thường đi 4 – 5 chuyến du lịch nhân dịp lễ, tết “vì chỉ dịp này các con mới được nghỉ học”. Mấy năm trước, gia đình chị thường đi một chuyến nước ngoài vào dịp hè, còn lại là trong nước. Thế nhưng 3 năm nay, kế hoạch đảo ngược, trong nước 1 – 2 chuyến, còn lại đi nước ngoài. “Cả nhà mình thích chợ đêm ở Thái Lan, Đài Loan… nên đi hoài không chán. Thực ra trong nước cảnh đẹp hơn nhiều nhưng dịch vụ ăn chơi ít quá. Cách đây 3 năm cả nhà mình đi Huế chơi 3 ngày. Hơn 9 giờ tối là mấy quán bánh Huế, chè nổi tiếng đã đóng cửa. Có tiền mà ăn, chơi cũng khó”, chị Yến nói.

Là trung tâm kinh tế lớn nhất cả nước, từng tuyên bố xây dựng “thành phố không ngủ” nhưng bao năm nay du khách đến TP.HCM muốn đi chơi đêm cũng không có chỗ. Một số địa điểm ăn uống có thể xây dựng thành phố ẩm thực về đêm như khu Phan Xích Long, phố người Hoa (Q.5), khu Phú Mỹ Hưng (Q.7)… nhưng không được sắp xếp, quy hoạch bài bản để trở thành khu ẩm thực cho du khách như các nước. Điểm nhấn là phố đi bộ Bùi Viện (Q.1) dần trở thành phố nhậu, đường Nguyễn Huệ chỉ dành cho người đi dạo, dịch vụ ẩm thực hay kinh doanh mờ nhạt. Chợ đêm Bến Thành thì nổi tiếng bán hàng giả, hàng nhái, nói thách “chặt chém” du khách. Thế nên, thời gian du khách quốc tế lưu lại TP.HCM trung bình chỉ 1 – 2 đêm.

Không riêng TP.HCM, các điểm du lịch lớn khác đều đang bỏ trống các sản phẩm du lịch sau 20 giờ. Khách đến Đà Nẵng chỉ biết lên Bà Nà, Ngũ Hành Sơn, biển Mỹ Khê, Cù Lao Chàm; ra Nha Trang thì tắm biển, thăm đảo, Viện Hải dương học… rồi về ngủ. Việc tập trung phát triển quá nhiều về bất động sản du lịch, địa ốc, khách sạn, resort và các khu nghỉ dưỡng dọc bờ biển đang đẩy du lịch các TP biển vào tình trạng thừa chỗ ngủ, thiếu chỗ chơi. Nhiều thành phố như Huế, Đà Lạt còn “ghi dấu ấn” trong lòng du khách nhờ việc đi ngủ quá sớm. Ngay cả các nhu cầu tối thiểu như thưởng thức đặc sản về đêm cũng không được đáp ứng.

Lãng phí 70% nguồn lực vì bỏ quên ban đêm

Thiếu chỗ ăn, chơi khiến số du khách quốc tế quay lại VN chỉ chiếm khoảng 6%, so với tỷ lệ 82% khách du lịch quay trở lại Thái Lan trên 2 lần và 89% khách du lịch quay trở lại Singapore. Theo nhiều chuyên gia du lịch, các tỷ lệ trên là “đáng xấu hổ” và lãng phí khi chúng ta làm đủ mọi cách để kéo khách đến nhưng lại không khai thác được nguồn lực tiềm năng nay.

Ông Nguyễn Quốc Kỳ, Chủ tịch HĐQT Công ty du lịch Vietravel, nói thẳng các thành phố du lịch tại VN đang đầu tư hoàn toàn vào những sản phẩm ban ngày trong khung giờ từ 7 – 20 giờ mà quên mất rằng sản phẩm về đêm mới chính là điều khách cần, là các dịch vụ có thể “hốt bạc”. Ước tính, khoảng 70% nguồn thu từ du lịch đến từ các sản phẩm về đêm và đang bị bỏ phí do chưa biết cách khai thác.

Đồng tình, PGS-TS Phạm Trung Lương, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu phát triển du lịch, cho rằng khách đi du lịch có xu hướng tận dụng tối đa thời gian để khám phá một vùng đất mới. Ban ngày họ đi thăm thú, trải nghiệm các điểm đến nổi tiếng; đến đêm mới là thời gian đi chơi riêng, mua sắm và tiêu tiền. “Đơn cử như Singapore, từ khi đưa vào hoạt động 2 khu tổ hợp casino, chủ yếu hoạt động về đêm, doanh thu từ du lịch tăng gần gấp đôi. Các hoạt động vui chơi, giải trí ban đêm là nguồn thu lớn nhất từ khách du lịch nhưng VN lại bỏ phí hoàn toàn. Chưa kể nguồn thuế lớn thu được từ hoạt động của các DN”, vị này dẫn chứng.

Sau hàng thập niên xác định du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn, chúng ta vẫn phải tự hỏi, đến bao giờ TP.HCM nói riêng và các thành phố du lịch của VN mới có chỗ chơi đêm cho du khách?

Thống kê của Tổng cục Du lịch cho thấy năm 2016 đánh dấu bước phát triển đột phá khi tổng lượng khách quốc tế đến VN tăng 26% so với cùng kỳ 2015, thế nhưng tổng thu từ khách du lịch chỉ tăng 18,4%, thấp hơn nhiều so với giai đoạn 2010 – 2013.

Tương tự, năm 2017 VN tiếp tục tạo dấu ấn trên bản đồ du lịch thế giới khi đón 12,9 triệu lượt khách quốc tế, tăng 29,1% so với cùng kỳ 2016 nhưng tổng thu (cả khách nội địa) chỉ 27,5%, vẫn thấp hơn tăng trưởng về lượng khách.

Năm 2018, khách quốc tế đến VN tăng kỷ lục, đạt gần 15,6 triệu lượt khách, tăng 19,9% so với 2017, cộng thêm lượng khách nội địa tăng 9,3% nhưng tổng thu từ du khách giai đoạn này cũng chỉ tăng 21,4%.

Hà Mai
Theo Thanh Niên Online

CÙNG CHUYÊN MỤC