bánh tráng nướng – 24h Sống xanh https://24hsongxanh.vn Hướng đến một cuộc sống tốt đẹp hơn Sat, 15 Jun 2019 03:29:36 +0000 vi hourly 1 https://24hsongxanh.vn/wp-content/uploads/2019/10/cropped-icon-song-xanh-logo-03-32x32.png bánh tráng nướng – 24h Sống xanh https://24hsongxanh.vn 32 32 Bánh tráng nướng “nắng mưa” của chị Móm ở Đà Lạt https://24hsongxanh.vn/banh-trang-nuong-nang-mua-cua-chi-mom-o-da-lat/ Sat, 15 Jun 2019 03:29:02 +0000 http://24hsongxanh.vn/?p=5646

Từng có một thời, du khách đến Đà Lạt chỉ tìm đến quán bánh tráng nướng ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt như một sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất. Cách đây khoảng 15 – 16 năm, món bánh tráng nướng hãy còn là thứ thức ăn mới lạ ở Đà Lạt, […]

The post Bánh tráng nướng “nắng mưa” của chị Móm ở Đà Lạt appeared first on 24h Sống xanh.

]]>

Từng có một thời, du khách đến Đà Lạt chỉ tìm đến quán bánh tráng nướng ở đường Nguyễn Văn Trỗi, Đà Lạt như một sự lựa chọn đầu tiên và duy nhất.

Cách đây khoảng 15 – 16 năm, món bánh tráng nướng hãy còn là thứ thức ăn mới lạ ở Đà Lạt, không có nhiều người bán và cái quán bánh tráng nướng ở số 61 đường Nguyễn Văn Trỗi này gần như là lựa chọn duy nhất cho thực khách lẫn du khách. Thế nhưng, không phải vị khách nào cũng được bà chủ quán nghênh đón.

Lạ đời nhưng đông khách

Quán không có tên, nhưng từ đường Nguyễn Văn Trỗi hướng từ khu Hòa Bình lên chừng 500m vào các buổi chiều nhìn thấy cái bếp than hồng đỏ lửa với người đàn bà tóc tém và móm đang ngồi nướng bánh giữa thực khách ngồi vòng trong vòng ngoài là biết đã đến đúng nơi cần tìm. Cho đến nay không ai biết rõ tên thật của chị, ngay cả những người Đà Lạt và họ gọi chị bằng các loại tên tùy theo ý thích. Đơn giản  một cách trực diện thì gọi chị Móm, dì Móm; ám ảnh thì gọi … chị Chảnh, bà Chảnh… tùy theo tâm trạng và hoàn cảnh tiếp xúc.

Lý do xuất hiện những  tên gọi đặc biệt không đồng nhất này đều bắt nguồn từ tính khí “mưa nắng thất thường” của chị chủ quán. Đến mức tôi có thể không ngần ngại mà bầu chọn rằng đây là người bán quán cá tính nhất thành phố ngàn thông này. Bởi nếu không tìm hiểu trước thông tin, không được người đi cùng kể chuyện về chủ quán, thì tôi tin bạn sẽ bị sốc 100%.

 “Ăn ở đây như chơi trò hên xui, hôm nào chị chủ thích thì bán, hôm nào không ưng mắt là không bán và đuổi thẳng tay”. Thực khách từng đến đây hay truyền tai như vậy. Nghe qua tưởng như một câu nói đùa vui nhưng lại là chuyện có thật. Song “tính cách như thời tiết” ấy vẫn không thể ngăn cản những bước chân của khách hàng tìm đến quán này từ hơn hai mươi năm qua.  Quán chỉ bán từ xẩm chiều, chừng 4 giờ đến 8 giờ là xong, hoặc có bữa bất thần chủ quán ngưng bán mà không có một tấm bảng thông báo.

Kiểu cách khác biệt của bà chủ

Bao giờ cũng vậy, chị chủ quán đặt chiếc bánh tráng lên bếp than hoa để nướng, sau đó phết một lớp mỏng trứng lên mặt bánh. Một tay chị quạt than cho hồng lên, một tay nhanh nhẹn cho từng loại nguyên liệu: mỡ hành đã phi thơm, hành lá, pa-tê, bơ hay phô-mai rồi đến lớp trứng vàng ươm tán đều khắp trên mặt bánh tráng. Một tay chị tán nhân bánh, một tay chị xoay xoay chiếc bánh cho nó chín đều các thứ cõng trên nó để bánh không bị cháy khét, còn miệng chị Móm nói liên tục. Ôi thôi, cái giọng Đà Lạt đặc trưng ấy kể đủ thứ chuyện trên đời tùy theo suy nghĩ và cảm xúc của chị lúc ấy.

Nếu như các quán bánh tráng nướng khác đều thêm thịt nguội, xúc xích, dăm-bông… và  trình bày các kiểu trông thật bắt mắt thì bà chủ Móm này chỉ bán mấy loại quen thuộc  lâu nay: bánh tráng nướng trứng, phô-mai, pa-tê… Trong khi các quán khác nướng xong cuộn bánh lại thành hình cái phễu rồi bọc giấy đưa cho khách cầm ăn cho tiện thì tiệm trứ danh này kiên quyết bắt khách phải dùng cái mâm bày bánh lên ăn. Khi một người mới đến, họ sẽ được đưa cho cái mâm nhỏ đường kính  chừng 30cm,  1 cái kéo, 1 tờ giấy lót, 1 chén nhỏ và 1 lời dặn: “Lấy chén xịt tương ớt để sẵn đi”. Rồi thực khách cứ yên tâm chờ với cái mâm trước mặt bởi bà chủ sẽ phục vụ theo thứ tự ai đến trước ăn trước. Bánh tới mâm, khách cứ lấy kéo cắt ra thành từng miếng tam giác, chấm tương mà ăn. Muốn kêu thêm thì…chờ tiếp. Hên thì đợi chừng 5-10 phút nữa, xui thì …dài cổ mới đến lượt.

Hồi hộp đợi, âu lo ăn, hoang mang chụp ảnh

Chưa bao giờ tôi ghé quán chị Móm mà chờ dưới nửa tiếng mà trung bình khoảng 1 tiếng. Thời gian ăn cái bánh tráng nướng chỉ chừng mươi phút, còn lại là chờ. Mà ngộ lắm, khách từ người già đến người trẻ xì-tin hiếu động khi đã đến đây hết thảy đều rất kiên nhẫn và trật tự ngồi đợi tới lượt theo sự phân bổ của chị Móm, không ai “đố kỵ” trước hay sau. Tôi chưa thấy quán ăn bên đường nào mà lại lặng lẽ, yên ắng, trật tự và thực khách hiền như nai ở cái quán này. Chị chủ quán cứ phân bổ theo ý mình khiến khách chỉ biết gật đầu ưng theo.

Không tính âm thanh đường phố, thì hầu như trong quán chỉ có tiếng của chị chủ quán vừa nướng bánh, vừa í ới gọi con gái, trò chuyện với người quen đi ngang qua, tâm sự với khách quen hay mắng khơi khơi khách lạ. Chị í ới la có cô con gái lúc nào cũng chậm không phụ kịp yêu cầu của mẹ. Rồi chị kể chuyện có một số hướng dẫn viên dẫn khách đoàn đến đòi ăn ngay, chị tiễn; có một đoàn khách Trung Quốc tới nói chuyện ồn ào, chị tiễn; khách tới đợi lâu quá nhăn nhó, chị tiễn; khách tới tỏ thái độ khó chịu với chị sao bán hàng mà kén vậy, chị tiễn…Và còn rất nhiều những kiểu khách khác bị… chị tiễn vì không ưng bụng.

Bên cạnh đó, có những trường hợp chị.. la khách. Từ một bà chủ đon đả đón khách chị có thể trở thành một bà cô già khó tính còn hơn các mệ miền Trung.

Chẳng hạn như trường hợp tôi, luôn bị chị rầy rà chuyện chụp hình. Dù đã là khách quen ở quán chị 15 năm, từng được nhiều người bạn là dân Đà Lạt chính hiệu quen chị giới thiệu để chị cho phép chụp hình, nhưng lần khác trở lại thì… chưa chắc! Và lần này mới nhất, chị mới đon đả chỉ chỗ ngồi cho tôi, liền đó đã thẳng tay mắng sát sàn sạt bảo tôi không được chụp hình. Rõ ràng là mấy phút trước, chị vẫn biết người khách ngồi phía sau lưng chị chụp hình và một anh chàng ngồi trước chị lăm lăm máy ảnh chụp hoài mà chị không nói gì!

Nói như chưa đủ đô, chị lại moi dưới chồng bánh sống ra một tấm bảng khổ A4 ép nhựa ghi rõ “Vui lòng không quay phim, chụp ảnh” để cái xoạch trước mặt khách để tái khẳng định lần nữa, mà khốn nỗi không phải lúc nào chị cũng trưng cái bảng này ra.  Nói hài hước chút, thì chị xoay vần giống như cái bánh tráng nướng được chị xoay liên tục trên tay!

Kỳ lạ là dù cảm xúc của người bán lên xuống thất thường như vậy chứ chất lượng bánh thì luôn đều. Bao nhiêu năm thưởng thức thì vị bánh tráng nướng của chị cũng giống nhau, chỉ có giá là nhích lên theo thời gian. Giá cái bánh tráng nướng mà chị Móm bán bây giờ là 25.000 đồng/cái, bằng giá chung của các nơi khác. Bây giờ, cái món “pizza Đà Lạt” ấy có mặt ở khắp nơi, kể cả Sài Gòn. Có không ít tranh cãi nổ ra xem món bánh tráng nướng ở nơi nào ăn ngon hơn, nhưng cuối cùng thì, đây là cái quán mà người chủ chưa một lần mời mọc ai thế mà vẫn đông nghẹt khách.

Dư vị ấm áp trong những đêm lạnh Đà Lạt

Dù lắm khi bị đối xử “bạc bẽo” như thế, nhưng tôi cũng như nhiều người khác vẫn thích đến đây, không chỉ vì bánh ngon.

Có bữa tôi ghé khi trời đang đổ mưa, nhìn thấy lũ học trò đi học về còn mặc áo mưa ngồi trên các ghế con con xúm xít chung quanh cái lò than hồng của chị Móm đợi tới lượt. Trời thì lạnh, bánh thì âm ấm. Chỉ có một lò than nho nhỏ đỏ lửa trên vỉa hè mà bao nhiêu người xúm xít ngồi chung quanh, cái mái hiên nhỏ không đủ che hết những hạt bụi mưa văng trên tóc trên vai và dưới gót hài khiến bầy trẻ tan trường và những người khách không quen biết như càng muốn xích lại gần nhau.

Ngồi đợi bánh chín, ngồi đợi tới lượt mình được chị Móm trải bánh xuống dĩa, đợi trời ngớt mưa, mặc đêm đang xộc tới trong những tiếng lao xao khe khẽ của người qua đường,  khách của chị Móm còn đợi hơi ấm bếp lửa tỏa ra trong những đêm tháng 12 Đà Lạt trở lạnh hơn bao giờ….

Lê Minh Hạ

The post Bánh tráng nướng “nắng mưa” của chị Móm ở Đà Lạt appeared first on 24h Sống xanh.

]]>