Vé máy bay Tết: Đừng kỳ vọng cuộc đua giá rẻ

 

Sau Bamboo Airways, tháng 7 vừa qua, Vietstar Airlines mới chính thức gia nhập thị trường khi được Cục Hàng không VN cấp chứng chỉ nhận khai thác máy bay (AOC).

Theo đó, Vietstar sẽ được khai thác thương mại với dòng máy bay phản lực Embraer Legacy 600 và Beechcraft King Air B300. 3 tân binh khác là Vinpearl Air, Vietravel Airlines và KiteAir cũng đang hoàn tất các thủ tục thành lập hãng và hứa hẹn sẽ sớm ra mắt trong thời gian ngắn sắp tới.

Nhiều ý kiến cho rằng Bamboo Airways chỉ là phát súng đầu tiên, chưa đủ tác động mạnh đến thị trường. Thời gian tới, khi loạt “tay đua” ở trên tăng tốc, chắc chắn sẽ tạo ra nhiều biến động về giá vé máy bay.

Tuy nhiên, TS Vũ Đình Ánh, nguyên Phó viện trưởng Viện Nghiên cứu giá cả (Bộ Tài chính), khẳng định không nên kỳ vọng thêm nhiều hãng hàng không nghĩa là sẽ có cuộc chạy đua về giá.

Theo ông, giá chỉ là một công cụ để cạnh tranh. Có sử dụng công cụ này hay không phụ thuộc vào chiến lược và phân khúc khách hàng nhắm tới của từng hãng hàng không. Không chỉ ở VN, trên thế giới nói chung, một chỗ ngồi trên máy bay phải bao gồm đầy đủ các yếu tố như chi phí xăng dầu, chi phí mặt đất, nhân công, phí sân bay… Kể cả có tiết kiệm tối đa để giảm giá vé thì các hãng cũng không thể “phạm” vào các loại chi phí này.

Ảnh: Đậu Tiến Đạt

Bên cạnh đó, trong bối cảnh kinh tế, đời sống người dân tương đối phát triển như hiện nay, hành khách lựa chọn phương tiện di chuyển là máy bay không chỉ chăm chăm nhìn vào giá vé mà còn đặc biệt quan tâm đến chất lượng dịch vụ.

Đơn cử, người ta sẵn sàng chi trả nhiều hơn cho hãng bay thường xuyên đúng giờ, thái độ phục vụ của nhân viên mặt đất, tiếp viên tốt hay chỉ đơn giản là mạng lưới bán vé, thanh toán tiền trực tuyến đơn giản, dễ dàng… Tăng cạnh tranh, khái niệm chất lượng dịch vụ hàng không sẽ được mở rộng thêm nhiều và người dân có thêm cơ hội trải nghiệm, so sánh nhiều dịch vụ khác nhau. “Dù là yếu tố nào đi chăng nữa thì chắc chắn càng nhiều hãng hàng không ra đời, người tiêu dùng càng được hưởng lợi”, ông Ánh nói.

TS kinh tế Nguyễn Minh Phong cũng lưu ý không thể trông chờ hay “ép” các doanh nghiệp hàng không giảm giá, ngay cả trong mùa thấp điểm. Thường khi bắt đầu gia nhập thị trường, các hãng hàng không thường sử dụng chiến thuật “tung” nhiều khuyến mãi, giá rẻ để thu hút người tiêu dùng.

Khi cảm thấy đã có được lượng khách ổn định, doanh thu tốt, doanh nghiệp sẽ tiết giảm bớt để hướng tới lợi nhuận. Nếu sắp tới có thêm hãng hàng không khác nhảy vào thị trường, cũng hút khách bằng chiêu giảm giá thì các hãng sẽ lại tự động hạ giá vé để cạnh tranh, sau đó mọi chuyện lại trở lại như cũ. Đây là quy luật vận động tự nhiên của thị trường.

Là người trong cuộc, đại diện một hãng hàng không khẳng định: Giá có cạnh tranh nhưng không phải theo kiểu giảm trên từng chặng mà theo chiều hướng tạo thêm nhiều dải giá, giúp khách mua được nhiều loại vé khác nhau. Cụ thể, nếu như trước đây, Vietnam Airlines (VNA) chỉ có vài dải giá vé thì nay con số này đã lên tới hơn 10, phụ thuộc vào từng thời điểm mua và khung giờ bay.

Mỗi dải giá vé chênh nhau từ khoảng 250.000 – 500.000 đồng đi kèm điều kiện về vé khác nhau. Ví dụ mức cao nhất có thể hoàn, đổi được. Nếu như trước đây hãng này chỉ chia dải vé với mục tiêu lấp đầy máy bay, tỷ lệ 70% chỗ giá cao nhất, 30% còn lại mới bán rẻ dần thì VNA đã mở bán linh hoạt các dải giá khác nhau nhiều hơn, nhanh hơn, sát thực tế hơn.

Dịch vụ sản phẩm cũng sẽ ngày càng được nâng cao nhằm đáp ứng mọi nhu cầu của khách hàng. Tuy nhiên, chắc chắn không có chuyện vé máy bay giảm giá, đặc biệt vào mùa cao điểm hè và Tết”, vị này nhấn mạnh.

Hà Mai

Theo thanhnien.vn

vé máy bayvé máy bay Tếtmáy bay giá rẻhãng hàng không