TP.HCM có thêm 13 trạm đo chất lượng không khí

13 máy đo chất lượng không khí vừa được lắp đặt tại 13 trường học và tổ chức xã hội trên 8 quận huyện của TP.HCM, nhằm tăng cường giám sát chất lượng không khí tại những nơi có đông cư dân học tập và làm việc trong địa bàn thành phố.

Lãnh sự quán Mỹ tại TP.HCM là đơn vị tài trợ cho 10 máy đo chất lượng không khí, 3 máy còn lại đến từ dự án “Không khí sạch” của UNICEF. Ngoài ra dự án cũng ghi nhận sự giúp sức của đại học RMIT, Sài Gòn Innovation Hub và Clean Air Asia.

Theo chia sẻ của nhà hoạt động môi trường Phan Trung Minh Tuệ, một trong những thành viên nòng cốt của dự án, những máy đo chất lượng không khí được lắp đặt tại trạm là Air Visual Pro, với kết quả đo chính xác 95-97% theo thời gian thực có thể theo dõi trực tiếp trên ứng dụng cũng như website của Air Visual bởi bất cứ ai.

Ước tính lượng phát thải chất ô nhiễm sẽ tăng khoảng 30 – 50% vào năm 2025 và từ 40  -65% vào năm 2030. Ảnh: CHANGE Việt Nam.

Các thành viên của dự án cho rằng việc tăng cường số lượng máy đo chất lượng không khí chỉ là bước đầu trong việc giảm thiểu tình trạng ô nhiễm, điều quan trọng nhất vẫn là nâng nhận thức của cộng đồng, bao gồm cả giáo viên, phụ huynh, trẻ em và thanh thiếu niên về thực trạng mà bầu khí quyển thành phố đang đối mặt.

Ô nhiễm không khí đang là một những vấn đề nhận được sự quan tâm của toàn xã hội bởi những tác động trực tiếp lên sức khỏe của con người, đặc biệt là lên những đối tượng nhạy cảm như người cao tuổi và trẻ em. “Trẻ em là đối tượng dễ bị tổn thương bởi ô nhiễm không khí, bởi cơ thể các em vẫn chưa phát triển hoàn thiện,” bà  Marianne Oehlers, trưởng Văn phòng UNICEF tại TP.HCM giải thích cho sự tham gia của tổ chức vì quyền trẻ em vào dự án.

Một trong những nguyên nhân khiến ô nhiễm không khí trở nên nguy hiểm khó lường là bụi siêu mịn, mà phổ biến nhất là bụi PM2.5. Với kích thước siêu nhỏ (đường kính chỉ bằng 1/40 – 1/100 sợi tóc), các hạt bụi siêu mịn này có thể chui sâu vào phổi và gây ra nhiều loại bệnh nguy hiểm.

Hiện nay, TP.HCM đang hứng chịu tình trạng ô nhiễm vượt quy chuẩn gấp ba lần với xe máy là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn hàng đầu. Hoạt động giao thông tạo ra lượng phát thải cao nhất, chiếm 99% trong tổng phát thải CO2 của toàn TP. HCM; kế tiếp là hộ gia đình (11,4%), công trình xây dựng (9%), cửa hàng và bãi vật liệu xây dựng (7,8%), nhà hàng quán ăn (5%), bến cảng (5%) – theo báo cáo Hiện trạng và diễn biến ô nhiễm không khí TP. HCM đến năm 2030 của PGS.TS Hồ Quốc Bằng.

Nếu chính quyền địa phương không có kế hoạch giảm các nguồn phát thải thì với mức phát triển kinh tế xã hội như hiện tại, lượng phát thải chất ô nhiễm sẽ tăng khoảng 30 – 50% vào năm 2025 và từ 40 – 65% vào năm 2030, theo kết quả báo cáo được GS.Bằng và các đồng sự xuất bản vào tháng 9/2019.

Giang Lê

Theo Forbes Vietnam

 

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/tphcm-co-them-13-tram-do-chat-luong-khong-khi-8811.html

TP.HCMô nhiễm không khíchất lượng không khímáy đo chất lượng không khíô nhiễm tại TP.HCM