Thấy gì từ chính sách làm việc 4 ngày trong tuần của Microsoft Nhật Bản?

Văn phòng Microsoft tại Nhật Bản đã thử nghiệm cho nhân viên làm việc 4 ngày/tuần trong tháng 8 vừa qua. Kết quả là năng suất làm việc của họ tăng 40%. Hơn 90% nhân viên tại đây cho biết họ thích thời gian làm việc ngắn ngày hơn trước.

Những con số trên hoàn toàn phù hợp với các nghiên cứu trước đó, trong đó chỉ ra sự cân bằng giữa thời gian làm việc và thời gian tiêng tư sẽ tỉ lệ thuận với hiệu suất làm việc. Ngoài cải thiện năng suất vượt trội, Microsoft Nhật Bản cũng ghi nhận tỉ lệ sử dụng điện ít hơn khoảng 23%, số trang giấy được in cũng bớt đi 59% trong suốt quá trình thử nghiệm.

Bất chấp lợi ích của việc làm việc 4 ngày/tuần, không phải tất cả lãnh đạo công ty đều ưa chuộng chính sách này. Ảnh: Getty Images.

Trước đó một công ty ở New Zealand đã điều chỉnh thời gian làm việc của họ xuống còn 4 ngày làm việc trong tuần kể từ năm 2018 sau khi thử nghiệm thu về kết quả năng suất làm việc tăng đến 24%.

Microsoft Nhật Bản dự định sẽ tiến hành thêm thử nghiệm thứ hai trong mùa đông này, với chủ đề khuyến khích thời gian việc linh hoạt. Các nghiên cứu trước đây cho thấy nếu để nhân viên được làm việc linh hoạt sẽ giúp tăng năng suất lao động. Tạp chí Harvard Business Review từng đưa tin về một công ty du lịch Trung Quốc chứng kiến tăng trưởng năng suất lao động 13% khi họ cho phép nhân viên trung tâm chăm sóc khách hàng qua điện thoại được làm việc tại nhà.

Tại Mỹ, một nghiên cứu do đại học Stanford thực hiện vào năm 2017 cho thấy một người lao động bình thường sẽ sẵn sàng từ bỏ 20% tiền lương để tránh việc bị tăng ca đột xuất, đồng thời đánh đổi 8% tiền lương để được lựa chọn làm việc tại nhà.

Khi các chuyên viên kiểm tra bằng sáng chế tại Phòng bảo vệ sáng chế và thương hiệu Mỹ tham gia chương trình làm việc linh hoạt, năng suất làm việc của họ đã tăng 4,4%, theo một báo cáo của đại học Harvard năm 2019.

Được biết thời gian làm việc tiêu chuẩn tại 25% công ty Nhật Bản vào năm 2016 là 80 giờ, theo CNBC. Tuy nhiên, Nhật Bản lại là quốc gia nổi tiếng với vấn nạn nhân viên làm việc quá sức. Nước này có một cụm từ dành riêng cho tình trạng này: karoshi (làm việc đến chết).

Vấn đề bắt đầu gây chú ý từ năm 2015, khi một nhân viên của công ty quảng cáo Dentsu tự tử vào ngày Giáng sinh, sau khi phải làm việc quá giờ. Vấn nạn này khiến công chúng xôn xao lần nữa vào năm 2017, một phóng viên Nhật Bản qua đời sau khi trải qua 159 giờ làm việc quá giờ trong suốt một tháng trước khi chết.

Sau những vụ việc kể trên, thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã công bố bản “Cải cách tác phong làm việc”, trong đó đề ra thời gian làm việc ngoài giờ tiêu chuẩn hàng năm là 720 giờ. Sự kiện này là hành động thúc đẩy các doanh nghiệp lớn củng cố năng suất lao động trong công ty, đồng thời cũng là lời thừa nhận về tình trạng làm việc quá sức tại các doanh nghiệp vừa và nhỏ.

Bất chấp lợi ích của việc làm việc 4 ngày/tuần, không phải tất cả lãnh đạo công ty đều ưa chuộng chính sách này. Một công ty tại Oregon (Mỹ) sau khi thử nghiệm chính sách làm việc 4 ngày/tuần đã cho trở về thời gian làm việc cũ, vì chủ doanh nghiệp tin rằng thời gian nghỉ quá nhiều của nhân viên mình sẽ trở thành lợi thế cạnh trạnh của công ty đối thủ.

Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp vẫn để nhân viên làm việc vào thứ sáu, khi thứ hai tuần sau là ngày nghỉ. Vài công ty khác đã giảm thời gian nghỉ lễ để bù đắp cho những ngày nghỉ thêm trong tuần.

Theo forbesvietnam.com.vn

Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/thay-gi-tu-chinh-sach-lam-viec-4-ngay-trong-tuan-cua-microsoft-nhat-ban-8125.html

Nhật BảnMicrosoft tại Nhật Bảnlàm việc 4 ngày/tuầnhiệu suất làm việc