Thay vì lấp biển tạo đất với nguy cơ phá hủy hệ sinh thái và môi trường ven biển, các nhà phát triển bất động sản đang hướng tới một giải pháp mới để giảm bớt gánh nặng đông dân tại các thành phố gần đại dương: xây dựng các thành phố nổi.
Mỗi tuần, các thành phố trên thế giới chào đón thêm 3 triệu người di cư từ khu vực nông thôn, phần lớn đều hướng tới định cư tại những thành phố ven biển, nơi vốn đang chật cứng với hơn 1/2 dân số thế giới.
“Nước vẫn luôn là sự sống và là trung tâm của mọi hoạt động kinh tế,” Kee-Jan Bandt, CEO của công ty tư vấn và quản lý Bandt nhận định. “Hầu hết các thành phố đều nằm gần nước, và con số này sẽ gia tăng trong thời gian tới,” ông nói thêm.
Cơ quan phát triển khu dân cư và đô thị bền vững của Liên Hiệp Quốc – UN Habitat dự đoán tới năm 2035, 90% các siêu đô thị (các đô thị với sức chứa trên 10 triệu dân) sẽ đều nằm ven biển. Nhu cầu dành cho bất động sản ven biển đang tăng cao tại châu Á. Nhiều quốc gia thậm chí phải lấp biển tạo ra hàng trăm km2 đất nhân tạo để phát triển đô thị.
Trong giai đoạn 2006 tới 2010, Trung Quốc đã phải tạo thêm 700 km2 đất mới mỗi năm. Malaysia cũng đang triển khai dự án Forest City (Tạm dịch: Thành phố rừng) với sức chưa hơn 700.000 người, bên cạnh dự án phát triển bất động sản hạng sang tại Penang và Melaka. 20% đất ở Tokyo và gần 25% đất tại Singapore đều do con người tạo ra.
“Tại một số quốc gia châu Á, việc tự tạo thêm đất trên biển thay vì phát triển nền đất tự nhiên có sẵn đôi khi sẽ dễ dàng, nhanh chóng và rẻ hơn trong dài hạn,” Bandt giải thích.
Giáo sư Liu Hongbin của đại học Trung Quốc cho biết việc tự tạo nền đất ở Trung Quốc có thể tạo ra lợi nhuận cao gấp 10 đến 100 lần. Tuy nhiên các dự án này tiềm ẩn nguy cơ gây hại cho môi trường tự nhiên.
“Ta có thể mất đi hệ sinh thái,” giáo sư Jennie Lee – nhà sinh vật học đại dương đến từ đại học Terengganu Malaysia cho biết. Cụ thể hơn, các rặng san hô bảo vệ ven biển có thể biến mất. Theo thời gian, dòng nước có thể bị bẻ cong và các bãi cát ven biển có thể rơi vào tình trạng xói mòn. Chưa kể nhiều loài cá sẽ có thể tuyệt chủng bởi các vi sinh vật biển chúng hay ăn đã chết vì thiếu ánh sáng.
“Thậm chí các vùng đất tự tạo ven biển ở Dubai, nơi được xây dựng với kỹ thuật tốt nhất thế giới với vốn đầu tư khổng lồ cũng sẽ không thể tồn tại được lâu hơn 10 năm,” Marc Collins Chen, nhà sáng lập của doanh nghiệp phát triển các thành phố nổi Oceanix cho biết. “Một ví dụ khác là sân bay Kansai của Nhật Bản, dù được xây với công nghệ tối tân nhất và vô cùng tốn kém, cũng đang dần chìm xuống.”
Một biện pháp mới đã xuất hiện để giải quyết vấn đề trên: các thành phố nổi. Về cơ bản, đây là nền tảng được neo vào đáy biển, và bên trên là cả một thành phố.
Nhiều mô hình thành phố nổi đã bắt đầu được thử nghiệm trên khắp thế giới. Tại Hà Lan, công ty WaterStudio đã và đang xây dựng các tòa nhà nổi quy mô nhỏ. Kiến trúc sư Vincent Callebaut đã thiết kế một thành phố nổi mang tên Lilypad, có thể chứa tới 50.000 người trong một loạt các tòa tháp cao với thiết kế trông như các bông hoa súng.
“Tiềm năng kinh tế của các thành phố nổi có thể lên tới hàng tỉ đô la,” Collins Chen nói. “Nhiều quốc gia đã bắt đầu cấm tự tạo đất, trong khi áp lực dân số tại các thành phố ven biển vẫn đang gia tăng. Thành phố nổi chính là lựa chọn duy nhất để phát triển bền vững,” ông nhận định.
Các thành phố nổi không chỉ là giải pháp giúp giảm thiểu tác động của nước biển dâng cao, mà còn là cách để chính phủ và nhà phát triển bất động sản tạo ra những không gian lớn để phát triển vùng ven biển đem lại lợi nhuận mà vẫn bền vững.
“Các thành phố nổi có thể được dựng bên trong nhà máy, sau đó kéo ra ngoài biển và lắp ráp lại. Điều này tốt cho môi trường, tiết kiệm chi phí và nhanh chóng hơn,” Collins Chen cho hay.
Wade Sherpard
Theo forbesvietnam.com.vn
Link nguồn: https://forbesvietnam.com.vn/tin-cap-nhat/thanh-pho-noi-xu-huong-tiep-theo-cua-bat-dong-san-8435.html