Cho đến tận lúc vào trường phổ thông trung học, tôi vẫn giống người Việt thế kỷ XIX, nghĩa là không dùng ví, không có ba lô và đương nhiên chưa biết dùng vali. Đơn giản vì hồi ấy chẳng có tiền mua những thứ đó (trẻ con lấy đâu ra tiền mà dùng ví? Có đi du lịch đâu mà cần vali?).
Dĩ nhiên tôi đã quá quen thuộc với hình ảnh chiếc ba lô bộ đội màu cỏ úa hay được gọi là balô “con cóc” mà các thế hệ trước sử dụng. “Chú là chú em, chú đi tiền tuyến nửa đêm chú về. Ba lô con cóc to bè…” (Cẩm Thơ). Có những người thân trong gia đình đi bộ đội, nghiễm nhiên ba lô cùng mũ cối là nhận diện về họ, có khi là suốt đời.
Ba lô là một cấu trúc phức tạp trong trường nhìn đơn giản của đứa trẻ. Nó có nhiều túi, có những sợi dây lòng thòng, thỉnh thoảng thò ra những mẩu khăn mặt, cái bàn chải hay những bọc ni lông nào đó qua cái nắp túi không đủ kín. Mặc dù ba lô có mặt trong sách giáo khoa hay các bài thơ, câu chuyện được đọc, song tận tay mở một cái ra thì tôi chưa từng.
Cái ba lô xâm nhập vào vốn văn hóa chung của người Việt tự khi nào nhỉ? Vào lúc cuộc kháng chiến chống Pháp bùng nổ, ba lô đã kịp trở thành biểu tượng của một đời sống mới, một đời sống ban đầu có vẻ nhiều lãng mạn.
“Em còn nhớ năm xưa khi còn chưa chiến chinh,
Người nào vác ba lô mẹ em ghét khinh,
Mà em vẫn muốn đeo dù ba “tái veo”,
Nghiến răng mà không dám nhèo vì em thích đeo.
A! Thế rồi năm nào kháng chiến bùng lên,
Em thấy: lũ lượt khắp chốn đồng quê
Đàn ông đeo ba lô, đàn bà đeo ba lô
Và: mẹ em cũng đeo ba lô
Ố ô ồ ố ồ
Em bèn nhắc đến câu chuyện xưa
Mẹ em ngác ngơ
Rồi khi bỗng nhớ ra, liền ôm lấy em
Tình tang tang tính tang
Tình tang tính tang
Hết chê con bé tí nheo đòi đeo ba lô…”
(Bé đeo balô – La Thăng, 1948)
Bài hát cho thiếu nhi này tôi từng được xem ca sĩ Hồng Kỳ của Nhà hát Tuổi Trẻ biểu diễn theo kiểu kết hợp tấu và hát một cách vui nhộn, rồi bài hát biến mất khỏi trường âm thanh tôi nghe sau này. Cho đến vài năm trước, khi biên tập một cuốn sách hồi ức về thời chiến tranh Ba áng mây trôi dạt xứ bèo của Nuage Rose, một tác giả nữ người Pháp gốc Việt, tôi gặp lại bài hát được trích dẫn.
Tôi đột nhiên nhớ lại những gì liên quan đến cái ba lô. Cảm giác vui nhộn hồi trước nhường chỗ cho một dư vị đăng đắng khi ta cảm nhận sự phấn khởi của đứa trẻ trước một hiện tượng chiến tranh nổ ra, “lũ lượt khắp chốn đồng quê” đeo ba lô. Nó khác với cảm giác nhìn thấy những đứa trẻ đi học ngày nay gắn đủ thứ con giống trang trí lên balô đựng đồ đi học.
Balô giờ đây phản ánh những sắc màu của kinh tế thị trường và đời sống giải trí, thậm chí phân biệt giới: con trai đòi ba lô người nhện hay siêu nhân, con gái thích ba lô mèo Kitty hay công chúa Elsa phim Frozen. Có một dạo các nhà sản xuất rộ lên loại cặp chống gù thay ba lô khi trẻ con phải mang quá nhiều sách vở tới trường. Dù sao đeo ba lô tung tăng tới trường đã là một may mắn rất lớn so với việc nhét gạch vào ba lô tập hành quân.
Một câu tục ngữ đời mới của giới lính tráng tếu táo về cái ba lô: “Vì tình nhà đeo ba lô đằng trước, vì nợ nước đeo ba lô đằng sau”. Quả thực không có loại túi xách nào đeo đằng trước lại có hình dáng giống một cái bụng bầu của một cô gái như cái ba lô. Trong khi ấy, những câu chuyện về các chàng trai không đủ số cân nặng lẫn số tuổi theo quy định nhét gạch vào ba lô để được ra trận đã trở thành huyền thoại về một thời cần sống bằng huyền thoại.
Thời bao cấp còn găm vào trong óc tôi hình ảnh những cái ba lô cùng mũ cối trên những chuyến xe khách lam lũ, còn trên đài phát thanh, lanh lảnh giọng hát Bích Việt trong những bài hát về miền biên giới: “Khi anh buộc gọn lại chiếc ba lô, là khi con chim đậu cành gọi nắng xuân sang…” (Chiếc ba lô và bài ca tình nguyện – Hoàng Tạo). Nhiều hồi ức chiến tranh đã kể lại việc chính những chiếc ba lô lại là vật dụng đựng hài cốt tử sĩ. Và quả thực không có loại túi xách nào phù hợp hơn chiếc ba lô trong tình huống này.
Các chinh nhân trong điển phạm phương Đông về nam tính đã có một giải pháp khác trong trường hợp tương tự: “da ngựa bọc thây”, người lính trận chết ở chiến địa, đồng đội giết con ngựa mà anh ta cưỡi lấy da bọc xác mang về. Vào thời trước, tráng sĩ luôn cưỡi con ngựa trung thành, nên khi người này tử trận thì cũng chẳng ai có thể cưỡi nữa. Con ngựa chiến vì thế cũng khác nào một cái ba lô bất ly thân? Cùng thời “bé đeo ba lô”, những người chiến sĩ Việt Nam được gắn với hình tượng nam tính được ấn định là không sợ chết: “Mong xác trong da ngựa bọc thân thể trai” (Chiến sĩ Việt Nam). Tác giả câu hát trên, Văn Cao, sau này còn viết: “Để bảo vệ sự sống / Tôi chọn sự chết”. Đại để là những cái chết đẹp.
Cũng liên quan ước mong về cách chết sao cho đẹp, một người bạn văn của Văn Cao là Nguyễn Tuân trong truyện dài Thiếu quê hương đã lấy câu của Paul Morand trong tác phẩm Le Voyage làm lời đề từ: “Ta muốn sau khi ta chết, có người thuộc da ta làm chiếc vali”. Tôi đã nghĩ vali, cái tẩu, cây batoong với cụ Nguyễn còn là những phụ kiện nam tính được truyền tụng của một nhà văn. Lấy da làm vali ư? Xem ra câu trích dẫn ngoa dụ của Nguyễn Tuân gần với câu châm ngôn “cọp để lại da”, và con cọp văn chương này muốn cái chết của mình gắn với sự xê dịch một cách hoàn hảo.
Bởi vì ba lô quá đỗi gắn với xã hội Việt Nam một thời gian dài nên tôi không hề ý thức “ba lô” là một từ có gốc tiếng Pháp (ballot), trong khi “vali” hoàn toàn gây cảm giác ngoại lai (valise). Có lẽ hai âm tố “ba” và “lô” khiến tôi khi là một đứa bé tưởng rằng đó là những đặc điểm gọi bằng tiếng Việt của loại túi đeo này. Nhưng điều khiến tôi luôn nghĩ vali có mùi “xa lạ” chính là do nó gắn với những hành vi khác biệt: đi Tây, du lịch, những việc gần như siêu khó ở thời Việt Nam ngăn cách với thế giới.
Vali ngân lên trong đầu tôi còn vì thứ hành lý này xuất hiện trong nhiều tác phẩm văn học dịch, thứ làm nên những chuyến hành trình trong tâm trí. Hình ảnh một người đàn ông đội mũ phớt, mặc áo choàng, tay xách một cái vali tha phương trên những nẻo đường sương mù châu Âu trong những cuốn tiểu thuyết của Erich Maria Remarque gợi nên một sự cuốn hút mang tính biểu tượng hơn là quan tâm đến chức năng của cái vali. Với tâm trí non nớt của tôi, trong những tiểu thuyết chiến tranh ấy, vali chẳng đựng cái gì mà chỉ chứa một không khí phong lưu nhẹ nhõm. Đấy là vì tôi chưa biết đến những cái vali quá cước ở sân bay!
Quay lại thời cái vali bắt đầu xâm nhập đời sống người Việt, nó đã sớm trở thành vật dụng tùy thân của các thi nhân giang hồ: “Đường ngoài ga Hàng Cỏ, lờ mờ sáng, có một người hành khách sắp bộ đi đường xa, đồ hành trang một cái vali là ai? Thiếu niên Ấm sinh ở Sơn Tây: Nguyễn Khắc Hiếu đó” (Giấc mộng con – Tản Đà). Thật là một lối xưng tên ngạo nghễ, lại có chút ngây thơ, cái ngây thơ của những thi nhân lấy việc tức cảnh sinh tình làm lẽ sống.
Nhưng cũng có lúc Tản Đà chẳng cần xưng tên mà ai cũng biết đấy chính là tác giả. Ông từng đóng vai một vị khách bước chân đến xóm cô đầu, nơi đời thực Tản Đà là tác giả của những bài hát nói nổi tiếng. Vị khách này gặp người tri âm là một cô đầu trong một căn nhà tàn tạ, đem lòng cảm mến vì tài thơ, để rồi vào đêm trước khi chia tay, “sẵn bút mực trong vali tức thời đốt đèn thật sáng, đem bức họa ra để đề”. Bài thơ Thề non nước ra đời trong cuộc họa thơ đó, như một sự giao thoa giữa tình tự cũ và mới:
Non cao những ngóng cùng trông
Suối khô dòng lệ chờ mong tháng ngày
Cái vali có mặt một cách hững hờ, theo như lời thuật trong truyện thì dường như chỉ có giấy bút và một gói chừng ba mươi đồng bạc. Giấy bút thì đã thành thơ, tiền thì đã hào phóng gửi lại nhà cô đầu. Người khách cứ thế lên đường, cái vali nhẹ bỗng như kiếp nhân sinh chẳng vướng bụi trần.
Trong tâm thế người Việt thời thuộc địa đầu thế kỷ XX, vali (và cả cái cặp xách tay anh em của nó) tạo nên hình ảnh một gã đàn ông nhà nghề, “người làng Tây”, “người nhà nước”, công chức, doanh nhân, giới cổ cồn… những danh từ chỉ một loại người có vẻ như nắm một phần quyền lực trong tay và mặc nhiên là một thứ chuẩn nam tính thời nước Việt bắt đầu hiện đại hóa. Cái vali là dấu hiệu của của kẻ trưởng thành, của người tân học, của địa vị, của một “thế giới văn minh”, của gã đàn ông có khả năng bước ra một cách đường hoàng khỏi lũy tre xanh, khác với những người đi phu biệt xứ hay những anh Khóa đeo tay nải xuống tàu để lại suối nước mắt đầm đìa.
Cái vali đã trộn lẫn giới “sĩ” và “thương”, vừa trí thức vừa làm ăn, thêm đôi kính trắng là chuẩn một vị đầy yên tâm cho bố mẹ các cô gái đến tuổi kén chồng. Nhưng rút cục nó đã được trữ tình hóa nhờ những văn nhân thi sĩ phủ lên một cảm thức xê dịch giang hồ. Chiếc vali đã bị những gã phiêu bạt tiền thì chẳng bao nhiêu nhưng đi mây về gió thì sẵn chiếm dụng, tạo ra hình ảnh quyến rũ khiến các nàng thơ nhiều thế hệ tưởng những gã-xách-va-li là bậc chinh phu cái thế thuở trước. Điều nguy hiểm là ở chỗ các thi nhân luôn nghĩ ra được những chuyến đi cho những cái vali! Nơi nào mà chẳng sẵn những mối tương tư, người thơ nhiều mối tình loại nhất Việt Nam là Nguyễn Bính, chỉ cần nhìn lên trời cũng thấy “mây trắng đang xây mộng viễn hành”!
Chiếc vali hiện đại không còn nên thơ kiểu ấy nữa. Điều đầu tiên mỗi lữ khách ngày nay bận tâm là số cân của cái vali mình mang lên máy bay! Nhiều hãng hàng không để tiết giảm chi phí đã siết chặt quy định về số cân và chính sách hành lý ký gửi của mình, dồn áp lực lên hành khách. Cảnh tượng ở các sân bay không còn chỗ cho những thổn thức “cây đàn sum họp đứt từng dây”, mà là một cuộc vật lộn với những vali lớn nhỏ. Biết bao cảnh tượng thiếu lãng mạn khi cô nhân viên quầy thủ tục nhất quyết không chấp nhận balô hoặc vali xách tay nặng hơn số cân cho phép.
Những cái vali qua được thủ tục thì cũng ở cái cảnh bị nhồi nhét đủ thứ đồ đạc, người ta có khi phải ngồi đè lên nóc để có thể kéo được khóa lại, rồi ai nấy cố gắng tin tưởng chúng sẽ vô sự khi lăn lóc trên những băng chuyền và trong khoang chứa của máy bay. Giây phút cái vali dập dềnh trôi trên băng kiểm tra cũng là lúc người lên ngựa kẻ chia bào cuống cuồng vào làm thủ tục xuất cảnh. Cái vali nặng chình chịch hành hạ người đi như thế, còn chỗ đâu cho thi nhân “khẽ ngâm câu tống biệt”! Tản Đà hay Nguyễn Tuân có sống ở khung cảnh sân bay Nội Bài hay Tân Sơn Nhất bây giờ cũng khó mà dám chắc mình còn muốn chết đi được lấy da làm cái vali.
Muôn sự là bởi việc đi lại đã quá dễ dàng và văn hóa tiêu dùng mua sắm đã chi phối hành vi con người. Trong hình dung của tôi hồi bé, cái vali là dấu hiệu của một cuộc viễn du đầy lãng mạn. Giờ đây cảnh tượng dễ nhận biết người Việt Nam ở các sân bay quốc tế là hay dùng vali loại rẻ tiền bán ở các hội chợ giảm giá, nhưng luôn không nhét đủ số đồ mang đi hay mua về, vì thế sẽ có dăm bọc ni lông ôm trên tay. Đôi khi có thêm vài thùng carton dán băng dính, trên có dòng bút dạ ghi “Nguyễn Văn X., số nhà 6 ngách 18 ngõ 105 phố Bờ Sông”…
Gặp phải những cô nhân viên quầy thủ tục lạnh lùng không đồng ý cho vali quá cước, những người Việt Nam lại một phen mở ra, thêm bớt món này đồ kia, chẳng may thì lại phải vứt đi vài món đồ. Cùng là con người mà sao lại phải vất vả thế? Cùng là vali mà sao cái thảnh thơi nhẹ nhàng trên bốn bánh xe, cái thì phồng căng lên sắp bục chỉ ở bốn bề? Lúc này người Việt ham mua sắm mới giận bản thân và nhiều khi nổi cáu với bạn đồng hành vì nỗi đã trót ham hàng giảm giá ở các trung tâm thương mại nước bạn thay vì dành thời gian ngắm nhìn sự nên thơ của xứ người. Cái vali rút cục tiết lộ nhiều điều về sự thay đổi lối sống. Nó không còn là vật đại diện cho địa vị, cho học thức, cho uy lực nam tính. Nó bình dân hóa, cũng đồng thời với việc đi máy bay đã không còn chỉ dành cho những người “có công chuyện”.
Tất nhiên, người ta vẫn có thể phân cấp bằng cách trông vào những nhãn hiệu sản xuất balô hay vali. Những nhãn Tumi, Rimowa, Samsonite hay dĩ nhiên, Louis Vuitton trứ danh, vẫn là thứ đắt đỏ như bảo chứng cho đẳng cấp chủ nhân, đồng điệu với khoang hạng thương gia hay hạng nhất trên những chuyến bay cho những người cần sự ưu tiên phải mua bằng giá đắt hơn rất nhiều hạng phổ thông. Nhưng nếu tin vào lời các nhà thơ suốt đời “giày cỏ gươm cùn ta đi đây” như Nguyễn Bính, nghề làm thơ thường mang tiếng nghèo (“Nhất kiêng đừng lấy chồng thi sĩ/ Nghèo lắm, con ơi! Bạc lắm con!”), liệu có chỗ cho những nhà thơ kéo vali Louis Vuitton ngồi ở khoang hạng thương gia không?
Nguyễn Bính hình như chưa được đi máy bay bao giờ, các chuyến hành phương Nam với tập kết ra Bắc thấy thuật lại trong thơ chủ yếu là tàu hỏa. Nhưng nếu đi máy bay, ông sẽ biết khoang hạng nhất với khoang phổ thông cũng nhìn ra ô cửa sổ giống nhau, mây trắng cửa nào cũng viễn hành!
Nguyễn Trương Quý
Theo nguoidothi.net.vn
Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nguyen-truong-quy-vali-mong-vien-hanh-22262.html