Trong lần xếp hạng thứ tư này, tổng giá trị của 50 thương hiệu dẫn đầu đạt hơn 9,3 tỉ USD – tăng 1,2 tỉ USD so với danh sách lần thứ ba. Trong 10 thương hiệu dẫn đầu, có các tên tuổi quen thuộc như Vinamilk, Viettel, Sabeco, Vinhomes, Masan Consumer, MobiFone, VinaPhone, Vietcombank, FPT và Vincom Retail.
Vinamilk tiếp tục dẫn đầu danh sách với giá trị thương hiệu hơn 2,2 tỉ USD, kế tiếp là Viettel với giá trị hơn 2,1 tỉ USD. Đây là hai thương hiệu có giá trị vượt trội so với phần còn lại của danh sách. Bên cạnh đó, Viettel còn là thương hiệu có giá trị tăng nhanh nhất trong bảng xếp hạng, từ 1,397 tỉ USD năm ngoái lên 2,163 tỉ USD năm nay.
Theo thống kê của Forbes Việt Nam, có 20 thương hiệu doanh nghiệp Việt Nam có giá trị trên 100 triệu USD.
Xét theo lĩnh vực, nhóm ngành hàng thực phẩm và đồ uống có 10 đại diện, chiếm tỷ trọng nhiều nhất xét theo số lượng. Các ngành phụ trợ nông nghiệp, chứng khoán, du lịch và dịch vụ lưu trú chỉ có một đại diện. Các lĩnh vực hàng tiêu dùng, ngân hàng, viễn thông, bất động sản, bán lẻ chiếm tỷ trọng cao xét theo giá trị.
So với danh sách năm 2018, danh sách năm nay mở rộng số lượng từ 40 thương hiệu lên 50 thương hiệu, nhằm phù hợp với sự phát triển của các doanh nghiệp và nền kinh tế. Bên cạnh đó, tuy giữ nguyên phương pháp tính toán nhưng danh sách được xếp theo từng ngành, theo đó, sau khi phân theo lĩnh vực, các thương hiệu giá trị nhất theo từng ngành sẽ được lựa chọn từ trên xuống dưới.
Thay vì chọn theo giá trị từ cao xuống thấp như các năm trước, việc lựa chọn các thương hiệu đại diện giá trị nhất theo từng ngành giúp danh sách phong phú hơn về số lượng, đa dạng hơn về lĩnh vực, phản ánh đúng các đặc thù của từng ngành.
Về phương pháp, Forbes Việt Nam thực hiện theo phương pháp đánh giá của Forbes (Mỹ), tính toán vai trò đóng góp của thương hiệu vào hiệu quả kinh doanh của doanh nghiệp. Những thương hiệu giá trị nhất là thương hiệu đạt mức doanh thu lớn trong các ngành mà thương hiệu đóng vai trò chủ đạo.
Sau khi lập danh sách sơ bộ hơn 100 công ty có thương hiệu mạnh, sản phẩm có độ phủ và mức độ nhận biết cao với người tiêu dùng, Forbes Việt Nam tính toán thu nhập trước thuế và lãi vay, sau đó xác định giá trị đóng góp của tài sản vô hình.
Việc thu thập số liệu của các doanh nghiệp dựa trên báo cáo tài chính của các công ty. Một số công ty chưa niêm yết đồng ý cung cấp dữ liệu tài chính, một số do Forbes Việt Nam kiểm định qua các nguồn độc lập, tin cậy để tính toán. Quá trình tính toán định lượng có sự hỗ trợ của công ty cổ phần Chứng khoán Bản Việt.
Thu nhập thương hiệu mang lại cho doanh nghiệp được xác định từ giá trị đóng góp của tài sản vô hình sau khi đã áp thuế thu nhập doanh nghiệp và phân bổ tùy theo mức độ đóng góp của thương hiệu trong từng ngành.
Giá trị thương hiệu chung cuộc được xác định dựa trên chỉ số P/E (hệ số giữa thị giá và thu nhập trên mỗi cổ phần) trung bình ngành trong khu vực. Với công ty chưa niêm yết, chúng tôi áp dụng phương pháp so sánh với công ty cùng ngành, cùng quy mô đã niêm yết để xác định giá trị thương hiệu.
Do phương pháp tính toán đòi hỏi dựa trên các số liệu tài chính, nên chúng tôi không có đủ cơ sở để xác định giá trị thương hiệu của một số doanh nghiệp lớn là công ty nhà nước không công bố số liệu tài chính hoặc các công ty tư nhân lớn không hợp tác cung cấp số liệu.