Lương Thị Thu Hương, Tổng giám đốc của thương hiệu Yến Sào Song Việt là một cái tên quen thuộc của lĩnh vực dinh dưỡng, thực phẩm bổ sung dinh dưỡng cho mẹ và bé. Doanh nhân thường bận rộn. Nữ doanh nhân lại càng bận hơn khi phải cáng đáng cùng lúc chuyện làm ăn trên thương trường và việc trên ngăn bếp, nếp nhà của mình. Hãy nghe chị chia sẻ những kinh nghiệm về nuôi, dạy con của mình cùng 24h Sống Xanh.
Người ta nói rằng đầu tư vào con cái là kênh đầu tư sinh lời tuyệt vời và trọn vẹn nhất. Tuy nhiên, không phải ai cũng có điều kiện này và không phải cách đầu tư nào của cha mẹ cũng mang lại hiệu quả và phù hợp với con mình. Chị nghĩ thế nào về vấn đề này?
Mình và chị gái mình thường nói vui: Nuôi dạy con giống như… đánh bạc, hên thì thắng, xui là thua. Vì con mỗi đứa một tính, nên hầu hết các gia đình có hai con sẽ gặp trường hợp, cùng một môi trường, cùng một cách giáo dục, cùng một sự đầu tư, nhưng kết quả sẽ khác nhau.
Do đó, việc đầu tư đúng cách còn phụ thuộc rất nhiều vào suy nghĩ của phụ huynh. Lời theo nghĩa đen thì chưa chắc, nhưng nếu cha mẹ chấp nhận “sinh lời” có thể là thành công của con, có thể là hạnh phúc, là sự an yên, là nhân cách sống của con thì chắc chắn việc đầu tư vào con cái là sinh lời tuyệt vời nhất và trọn vẹn nhất. Việc đầu tư này không có nghĩa là bạn phải có điều kiện mà bạn chỉ cần có sự chấp nhận, bao dung, vị tha và quan trọng là kiên trì với con trong tất cả các giai đoạn của con.
Bên cạnh đó, nhiều phụ huynh hay gửi gắm ước mơ, hoài bão mà mình chưa làm được trước đây vào con cái, khiến chúng phải gánh vác áp lực, trách nhiệm vô hình từ nhỏ… đây cũng là sự việc mà chúng ta hay bắt gặp đâu đó trong cuộc sống hàng ngày, ngay trên chính bản thân chúng ta. Ai cũng có ước mơ còn dang dở vì lý do nào đó chưa hoàn thành được. Vì không thể thực hiện được nên khi có con thường mong con hoàn thiện ước mơ của mình. Với mình, đây là sự không công bằng vì mỗi cá nhân là một cá thể độc lập, chúng ta muốn tự do quyết định thì con chúng ta cũng thế. Đừng bắt các con phải hoàn thành giấc mơ của mình bằng áp đặt mà hãy để chúng hoàn thành bằng sự yêu thương và tự nguyện.
Hơn tất cả, chúng ta đừng mang giấc mơ của chúng ta làm thước đo để đo sự thành công của con mình.
Ba sai lầm được cho là thường gặp ở phụ huynh là nuông chiều con quá mức, nhưng ngụy biện cho hành động đó là cách thương con, phó mặc việc học của con cho nhà trường; không chú trọng kỹ năng sống cho trẻ. Quan điểm của chị?
Ý thứ nhất, theo mình, con mình mà nếu nói không chiều là khó lắm. Nhưng chiều trong phạm vi cho phép là nên, cái gì không được là phải cấm, cái gì cần con tự nguyện thì phải phân tích, và tự mình làm gương để con học. Ví dụ mình cho con nhuộm tóc vào kỳ nghỉ Hè (vì bạn có thể nhuộm lại) nhưng không cho xăm hình (vì để lại dấu vết). Tất cả điều này đều thỏa mãn win – win cho mối quan hệ mẹ con. Mẹ chấp nhận thỏa mãn ý thích của con, con cũng cần phải cho mẹ thỏa mãn ý thích của mẹ, là con hãy mang 200% sức lực để làm bất kỳ chuyện gì, không được bỏ cuộc khi chưa cố gắng hết sức. Kết quả dù có ra sao mẹ cũng hài lòng vì con đã cố gắng hết sức.
Ý thứ hai, theo mình, việc phó mặc cho nhà trường là không nên, quan điểm của mình về vấn đề này khá rõ ràng, nhà trường và gia đình phải luôn song hành. Làm một bài toán đơn giản, chúng ta có thể tính ra thời gian con chúng ta ở nhà và ở trường là bằng nhau. Vậy trách nhiệm việc học cho con phải là do chúng ta cùng với nhà trường. Trường là nơi cho con kiến thức, còn gia đình là cho con ý thức. Kiến thức và ý thức phải luôn song hành.
Ý thứ ba, theo mình, con đường phía trước luôn có chông gai và khó khăn, nếu muốn vượt qua con đường ấy phải là kiến thức và kỹ năng sống. Ví dụ nhé: một cậu bé bị mắc kẹt trong một đám cháy, biết rằng phải kiếm cái khăn nhúng nước trùm đầu rồi băng qua đám cháy đó, cậu ấy nhìn thấy một cái khăn trải bàn cách cậu ấy 10m. Tại thời điểm này kỹ năng sống sẽ quyết định việc bạn ấy có thoát được đám cháy đó bằng cách la hét chờ cứu hộ hay bình tĩnh tìm cách lấy khăn trải bàn và thực hiện theo những kiến thức mà bạn ấy đã học.
Chị chọn cách làm bạn, thậm chí là bạn thân của con. Điều này có gì dễ và khó không, thưa chị?
Khi con còn nhỏ thì chúng ta là thần tượng của con, con sẽ coi mình là siêu nhân và rất cần chúng ta. Nhưng khi lớn lên, khi các bạn ấy biết nhiều và hiểu nhiều dần dần các bạn ấy nhận ra “ồ thì ra mẹ cũng có điểm yếu, mẹ cũng không phải như thế…”. Đến lúc này chúng ta phải chấp nhận cách làm bạn với con, chấp nhận cuộc chơi “sao con giỏi vậy, mẹ làm hoài không được?”, chấp nhận chia sẻ, chấp nhận chỉ ra cái yếu của mình để bạn ấy thể hiện, tư vấn. Lâu lâu nhõng nhẽo bạn ấy để bạn ấy thấy mình có ích với mẹ.
Khó chính là chấp nhận sự thật mình không còn là bầu trời của con, chấp nhận các cuộc tranh cãi công bằng với con. Chấp nhận nghe những ngôn ngữ teen của các bạn ấy và học cách sử dụng chúng. Còn dễ là bạn không cần gồng mình làm bà mẹ vĩ đại nữa, cứ thoải mái hát, chơi, ăn với con và ngồi nghe con kể chuyện ở lớp, ở trường và ngồi bình luận có “chọn lọc và công tâm”.
Có vẻ chị luôn chọn cách động viên và nhường sự quyết định mọi việc cho con?
Quan điểm của mình là không áp đặt suy nghĩ, mơ ước của mình lên các con, dù làm được điều này không hề dễ. Mình cũng có những sai lầm, chỉ đến khi con nói “Con được quyết định tất cả những gì con muốn, theo ý của mẹ”, mình mới hiểu rằng, tưởng là công bằng nhưng thực tế mình đang sử dụng mọi lý lẽ, kỹ năng của mình để con tự nguyện làm theo điều mình muốn. Mình chấp nhận cho con thất bại, và sau thất bại mình luôn có câu “bài học của sự thất bại này là gì?”. Điều này giúp con thấy kinh nghiệm và sự từng trải sẽ rất quan trọng giúp giảm tránh thất bại.
Con cái những gia đình kinh doanh thường dễ mặc nhiên rằng ít nhất phải có một người trong số bọn trẻ nối nghiệp gia đình. Chị có nghĩ như vậy không?
Điều lý tưởng nhất chính là có con kế nghiệp, vì văn hóa châu Á nói chung và Việt Nam nói riêng, đó chính là tâm lý cha truyền con nối, cái gì tốt đẹp nhất sẽ dành cho con. Tuy nhiên, như đã nói, giấc mơ của cha mẹ chưa chắc đã là giấc mơ của con. Tất cả sẽ đều là lý tưởng như mình nói ở trên nếu con mình có khiếu kinh doanh. Còn nếu bạn ấy, không thích và không có năng khiếu, điều tốt nhất với người làm kinh doanh chính là phải chấp nhận “trọng tài không trọng tử”.
Cảm ơn những chia sẻ thú vị của chị!
Đà Thư (thực hiện)
Theo ấn phẩm 24h Sống Xanh