Đại dịch và sức khỏe doanh nghiệp

Bạn đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp bạn như thế nào? Liệu doanh nghiệp bạn có chống được các sự cố ngoài dự đoán như đại dịch Corona đang diễn ra?

 

Thường khi ốm, chúng ta mới nhớ đến bác sỹ, cần đến thuốc, và thực sự chú ý đến sức khỏe. Ít người trong chúng ta thực sự xây dựng cho mình một lộ trình có mục tiêu, có phương pháp, có kế hoạch hành động cụ thể và thực sự thực hiện mỗi ngày để mình khỏe lên.

Trận đại dịch Covid-19 đã và đang làm ảnh hưởng đến cuộc sống, công việc của hàng trăm triệu người. Chúng ta bàng hoàng nhận ra chúng ta yếu ớt như thế nào đối với thiên nhiên. Cá nhân cũng vậy, doanh nghiệp cũng tương tự, khi gặp những cuộc khủng hoảng, chúng ta đều tỏ ra yếu ớt và bộc lộ rõ những điểm yếu, lúng túng.

Nhưng theo tôi, đây là cơ hội để chúng ta nhìn lại cách chúng ta sống, cách chúng ta làm việc và tìm cách nâng cấp có chiến lược, có hệ thống.

Ông Trần Xuân Hải – CEO của Missionizer.

Trong đám bạn bè tôi quen, kể từ lúc có dịch, nhiều người đã bắt đầu quan tâm hơn đến sức khỏe của mình. Họ ăn nhiều rau, trái cây, và bắt đầu vận động nhiều hơn so với trước. Một số người đã chú ý thêm tới những thói quen rất nhỏ như đi bộ, rửa tay thường xuyên, ra ngoài phòng máy lạnh. Ngày ngày, mọi người trao đổi với nhau thì phần lớn các câu chuyện đều xoay quanh đại dịch: Làm sao trông con ở nhà để bố mẹ đi làm, bao giờ con quay lại học, cần làm gì để cả gia đình khỏe lên, cần làm gì để chống lại đợt sau…

Dường như vẫn còn rất hiếm người nhìn nhận góc nhìn sức khỏe doanh nghiệp trong cơn dịch. Chúng ta cần làm gì để doanh nghiệp chúng ta mạnh lên, đối phó được với những khủng hoảng, bao gồm những khủng hoảng bắt nguồn từ bên ngoài và cả từ bên trong?

Trong một bài viết với tựa Các tổ chức cần gì để vượt qua đại dịch – What Organizations Need to Survive a Pandemic – của Hiệu trưởng trường Kinh doanh Harvard Nitin Nohria (đăng trên Harvard Business Review ngày 30 tháng 1), ông chia sẻ về góc nhìn cần phải xây dựng lại doanh nghiệp với tư duy quản lý mới mới phản ứng hiệu quả hơn với đại dịch.

Ông so sánh 2 kiểu tổ chức:

Thứ nhất, Cấu trúc tầng lớp so với Mạng lưới.

Thứ hai, Lãnh đạo tập trung so với Lãnh đạo phân quyền.

Thứ ba, Kết nối chặt (phụ thuộc mạnh vào nhau) so với Kết nối lỏng (ít phụ thuộc vào nhau hơn).

Thứ tư, Lực lượng làm việc tập trung so với Lực lượng phân tán.

Thứ năm, Chuyên gia so với Những người giỏi nhiều môn chức năng (cross-trained generalists).

Thứ sáu, Điều hành với chính sách và quy trình so với dẫn dắt bởi những luật đơn giản nhưng mềm dẻo.

Ông chỉ ra rằng tổ chức kiểu thứ hai sẽ ứng phó với những tình huống khủng hoảng lớn như đại dịch tốt hơn nhiều. Điển hình của tổ chức kiểu mới là các đội nhóm biệt kích quân đội. Họ tương tác với nhau dựa trên mỗi thành viên đều có năng lực phối hợp với nhau để đảm bảo thành công.

Dù có chuyện gì xảy ra, bao nhiêu thành viên không thể tham gia tiếp, nhiệm vụ vẫn cần hoàn thành. Tại chiến trận, người lính sẽ tự biết cần phải làm gì để hoàn thành nhiệm vụ mà không cần gọi điện về hỏi tổng hành dinh.

Là một người ủng hộ nhiệt thành với hệ tư tưởng quản lý, kinh doanh kiểu mới, tôi hoàn toàn ủng hộ ông Nohria. Doanh nghiệp của chúng ta cần có “sức khỏe” mạnh mẽ hơn. Chúng ta cần “tập luyện” để đạt được điều đó, bắt đầu từ những tầng quản lý cao nhất.

Bạn đánh giá sức khỏe của doanh nghiệp bạn như thế nào? Liệu doanh nghiệp bạn có chống được các sự cố ngoài dự đoán như đại dịch đang diễn ra?

Dựa trên các ý của ông Nohria, tôi xin đặt vài câu hỏi để bạn đánh giá lại doanh nghiệp của mình.

Khi gặp tình huống, một nhân viên hay cấp quản lý phải thông qua bao nhiêu tầng/bước để có một quyết định hành động? Gặp sự cố, chúng ta mất bao lâu để ra được quyết định đúng?

Nếu cắt bỏ 10-20 thậm chí 30% các vị trí, liệu các đội nhóm có hoàn thành được các mục tiêu được giao, người này bao luôn được nhiệm vụ của người khác, thậm chí trong hoàn cảnh nguồn lực hạn chế hơn?

Các hoạt động của doanh nghiệp đều được định hình và được tôn trọng bằng những mục đích và nguyên tắc mạnh mẽ cao đẹp hơn là những quy trình và chính sách cứng nhắc từ đời nào mà thực tế rất hiếm người theo?

Nếu tổng hành dinh “gặp sự cố” các nơi khác vẫn có thể tự hoạt động dựa trên những mục đích, nhiệm vụ mà mọi người tin tưởng và hết lòng làm theo?

Mọi thành viên đều có năng lực rộng và liên tục rèn luyện, học tập để mở rộng năng lực của mình chuẩn bị cho những nhiệm vụ khó khăn hơn, bất ngờ hơn, phức tạp hơn?

Để nâng tầm sức khỏe doanh nghiệp của mình bạn bạn cần nâng tầm, sức mạnh, năng lực của từng thành viên. Bạn xây dựng sự kết nối giữa niềm tin, mục tiêu, năng lực, cách làm của từng cá nhân hướng tới niềm tin, mục tiêu, năng lực của tổ chức như thế nào?

Họ có thật sự tin vào những điều công ty hướng tới?

Họ có thực sự máu lửa thực hiện những mục tiêu?

Họ có giỏi lên, mạnh mẽ lên mỗi ngày?

Trần Xuân Hải – CEO của Missionizer

Theo theleader.vn

Link nguồn: https://theleader.vn/dai-dich-va-suc-khoe-doanh-nghiep-1581559857128.htm

quản trịdịch Covid-19sức khỏe doanh nghiệpTrần Xuân Hải