Người tiêu dùng có thể thay đổi thói quen mua sắm theo hướng không lãng phí vỏ hộp, đồ đựng nếu những cửa hàng như thế này mọc lên nhiều hơn.
Một cửa hàng trực tuyến ở tỉnh Ontario, Canada bán hàng tạp hóa, đồ gia dụng và thực phẩm theo cách mới: các vỏ hộp sẽ được thu lại và đổ đầy. Đây là mô hình bán lẻ mang tính đột phá về bao bì có thể tái sử dụng.

Hạn chế số lượng bao bì bị thải ra bãi rác
Cửa hàng có tên Loop, ra mắt tại Canada vào đầu tháng 2/2021, hợp tác với siêu thị Loblaws và chuyên cung cấp các mặt hàng sữa, yến mạch, kem và kem đánh răng… Trước đó, Loop đã hoạt động ở Mỹ, Anh quốc và Pháp.
Tom Szaky, người sáng lập kiêm giám đốc điều hành của Loop, cho biết, không giống như các nhà bán lẻ theo hướng “no-waste”, họ muốn cung cấp sản phẩm theo cách có thể tái sử dụng và thuận tiện.
Về lâu dài, cửa hàng đặt mục tiêu tạo ra sự thay đổi thói quen mua sắm không cần đồ đựng, vỏ hộp trong cộng đồng ở Canada. Từ bia đựng trong chai có thể tái sử dụng đến bất kỳ sản phẩm nào đều có thể áp dụng mô hình phân phối này. Mục tiêu cuối cùng là mang đến cho mọi người cách tiêu dùng xanh hơn, hạn chế số lượng bao bì bị thải ra bãi rác chỉ sau một lần sử dụng. Điều này cho phép nhà sản xuất giảm thiểu đáng kể nhu cầu khai thác các vật liệu mới, vốn là nguyên liệu gây tiêu hao lớn nhất đối với môi trường.
Quầy hàng của Loopstore.ca hiện có 98 sản phẩm. Giống như với các cửa hàng tạp hóa trực tuyến khác, khách hàng chọn sản phẩm vào giỏ hàng, nhưng ngoài giá các mặt hàng, họ phải trả một khoản đặt cọc cho hộp đựng. Mức này có thể dao động từ 50 xu cho lọ thủy tinh đến 5 đô la cho một hộp kem Häagen-Dazs bằng thép không gỉ. Các mặt hàng được chuyển phát nhanh FedEx đến nhà khách hàng với khoản phí 25 đô la, các đơn hàng trên 50 đô la được vận chuyển miễn phí.
Sau khi bạn đã dùng hết các sản phẩm, hộp đựng sẽ không bị ném vào thùng rác. Thay vào đó, bạn cất chúng vào túi vải của cửa hàng – ngay cả khi chúng bị móp hoặc hư hỏng – và chúng sẽ được nhặt lại. Khách hàng được trả tiền cọc khi vỏ hộp được thu hồi.

Bao bì được đổ đầy lại ít nhất 10 lần
Trong tương lai, Loop sẽ bán các sản phẩm trong bao bì tái sử dụng tại khu vực hoặc lối đi riêng của họ trong siêu thị để đem lại sự thuận tiện nhất có thể cho khách hàng. Khách hàng cũng sẽ có thể trả lại các vỏ hộp cho các cửa hàng, siêu thị tham gia chiến dịch này.
Trách nhiệm của Loop là quản lý chất thải. Tất cả các vỏ hộp, thùng chứa đã qua sử dụng sẽ được gửi đến một cơ sở để chúng được phân loại, làm sạch và gửi trả lại cho các nhà sản xuất. Các doanh nghiệp được yêu cầu thiết kế bao bì có thể tồn tại sau khi được đổ đầy lại ít nhất 10 lần. Và nếu một ngày nào đó bao bì bị hư hỏng thì các vật liệu đó phải được tái chế.
Việc chuyển đổi sang bao bì có thể tái sử dụng không dễ đối với các nhà sản xuất vì họ phải điều chỉnh toàn bộ quy trình sản xuất với chi phí cao. Ví dụ, với hãng Nestlé, việc phát triển một hộp kem Häagen-Dazs với vỏ hộp tái chế mới khiến họ tốn 1 triệu đô la.
Tuy nhiên, ngày càng có thêm các nhà bán lẻ và công ty sản phẩm tiêu dùng đăng ký tham gia vào chương trình này vì họ coi trọng vấn đề tiêu dùng không lãng phí vỏ hộp.
Thiệu Kiệt
(theo CBC)