fbpx

Người đàn ông một chân lái xe máy đi chăm người khốn khó

Đi cả chục km để nấu cơm, dọn nhà cho người lạ, nhiều lần Phi (Quảng Nam) khiến vợ lo vì sợ anh gặp nguy hiểm với chân cụt.

Trong căn nhà lợp tôn nóng hầm hập, anh Lương Phi (29 tuổi, Nam Phước, Duy Xuyên) giao đứa con 3 tháng tuổi đang ngủ trong nôi cho vợ rồi nhảy cà thọt bằng một chân dắt xe máy ra khỏi cổng. Chị Nguyên Thu (29 tuổi) phủi phủi áo chồng, tỏ vẻ hài lòng vì chồng dỗ con ngủ được.

Mỗi lần đến thăm bà cụ Bầy, ở một mình, cách nhà anh hơn 5 km, Phi đều mua đồ ăn và ở chơi với cụ 1-2 tiếng. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Mỗi lần đến thăm bà cụ Bầy, ở một mình, cách nhà anh hơn 5 km, Phi đều mua đồ ăn và ở chơi với cụ 1-2 tiếng. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Vợ nấu đồ ăn đi nhé, anh nấu cơm, lau nhà rồi, anh qua nấu cơm cho bà Bầy rồi về ngay!“, Phi dặn vợ. Chân phải chống xuống đất giữ thăng bằng, tay trái anh cầm nạng nhấn vào số xe, rồi chạy đi nhẹ nhàng. Trong nhà anh, mấy chiếc quạt đứng cũ rơi gần hết nút vì Phi chỉ bấm bằng nạng.

Cả tháng qua, hôm nào anh Phi cũng chạy xe hơn 5 km để đến nhà bà Huỳnh Thị Bầy (82 tuổi, Điện Phương, Điện Bàn). Căn nhà nằm sâu trong rừng cây, gần như tách biệt với thế giới bên ngoài. Bà Bầy sống một mình gần 40 năm qua, không chồng con, không người thân thích, “bạn” duy nhất là một chiếc loa bằng nhựa phát ra những câu kinh Phật văng vẳng giữa u tịch.

Bữa nay Rằm bà ăn chay phải không, con quên mất lại mua cháo mặn. Xin lỗi bà nghe!”, nghe Phi nói, bà cụ phẩy tay “Mô Phật, có sao đâu, mai mốt ăn cũng được“. Đi không nổi, bà ráng kéo chiếc ghế gỗ cũ kỹ, chỉ chỉ bảo Phi ngồi xuống uống nước với bà. “Mày qua đây suốt bà chẳng vui chút nào, vì cứ mỗi lần mày về, bà lại buồn thiu!”, bà Bầy rơm rớm nước mắt nói.

Phi cười cười, xoa tay bà rồi đứng dậy trèo lên thang lấy chổi phủi bụi trên bàn thờ, trên cửa, trên ghế… Quanh nhà, cây mọc um tùm khiến buổi tối bà khó thở. Nghe bà kể, Phi nhảy phóc lên cành cây gần đó, đẩy thân mình lên bằng một chân, vài phút là đã tới ngọn. Anh thoăn thoắt chặt bớt những cành hỏng làm củi, cho bớt rậm rạp.

Nhiều năm trước, Phi không trò chuyện xởi lởi như vậy. Nhìn vào cái chân cụt, nhớ lại những ngày mới lớn, Phi còn nguyên cảm giác cô đơn, lạc lõng như bà Bầy bây giờ.

Năm 1993, Phi được 3 tuổi, giữa trưa đang ngủ, một người đàn ông lạ mặt xông vào nhà cầm dao chém đứt lìa chân của cậu, chém cả chị hai và mẹ Phi rồi bỏ chạy. Cả nhà đều qua cơn nguy kịch, duy chỉ có Phi không còn lành lặn.

Mẹ ơi, chân con có mọc lại được không?“, nghe con hỏi, bà Hồ Thị Tuyết (60 tuổi), mẹ Phi, cảm thấy đắng nơi cổ họng. “Người gây ra chuyện đó là một người hồi trẻ tôi từng hẹn hò nên tôi luôn cảm thấy có lỗi. Tôi lúc nào cũng canh cánh nỗi lo con sẽ sống mãi trong mặc cảm“, bà Tuyết kể.

Lên 9, lên 10, Phi không còn nói nhiều và dần thu mình. Mỗi giờ ra chơi, đám bạn chạy nhảy, chỉ có mình cậu ngồi trong căn lớp trống hoác, khóc một mình. Càng buồn, cậu càng cố gắng tập đạp xe bằng một chân. Khi được tặng chân giả, cậu cố lên cầu thang không cần bạn bè giúp đỡ. Mỗi lần như vậy, Phi bước 2 bậc bằng chân thật, rồi ôm chân giả đặt lên. Cứ thế, cậu đi qua hết tuổi học trò.

Cả ngày Phi nói không quá 3 câu. Phi không trách mẹ, nhưng cũng hiếm khi tâm sự với bà, chỉ tự nhủ mình phải sống tốt hơn. Những buổi được nghỉ học hay về sớm, cậu xin đi hái đậu, nhổ cỏ ruộng lúa cho người dân trong làng, kiếm thêm cho bữa ăn gia đình con tôm, con cá. Nhà trồng được cây ổi, cây mận, cậu giúp ba mẹ leo lên hái xuống đi bán.

Tình yêu của cha với mẹ khiến tôi luôn cảm thấy cuộc sống có ý nghĩa. Cha chưa bao giờ trách móc mẹ dù chỉ nửa lời“, Phi nhẹ nhàng nói.

Phi bên con út 3 tháng tuổi, trong tổ ấm với vợ là một hướng dẫn viên du lịch cùng con lớn 3 tuổi. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Phi bên con út 3 tháng tuổi, trong tổ ấm với vợ là một hướng dẫn viên du lịch cùng con lớn 3 tuổi. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Năm 2014, cầm tấm bằng cử nhân công nghệ thông tin một trường đại học lớn ở Đà Nẵng, Phi đi khắp nơi xin việc nhưng không được vì chân không linh hoạt. Chủ trọ hỏi có muốn ở thì bà cho khất tiền trọ vài tháng, nhưng Phi cảm ơn rồi lầm lũi xếp đồ đi vì sợ ảnh hưởng tới người khác. Suốt 2 tháng anh không về nhà, có hôm còn ngủ ghế đá công viên.

May mắn, anh được nhận vào làm kỹ thuật viên cho một phòng thu nhạc ở Đà Nẵng. 5 năm ở thành phố, vì mặc cảm, Phi luôn cố giấu cái chân cụt của mình. “Trong phòng thu, khách hàng hát tệ cỡ nào Phi cũng bình thản chứ không nhăn nhó, lâu lâu chỉ cho khách hát chuẩn hơn. Bởi vậy khách nào tới cũng quý“, anh Nam, chủ phòng thu ở quận Hải Châu, Đà Nẵng, chia sẻ.

Đeo chân giả cả ngày rất bức bối, như đeo gông xích, nhưng tôi không thể để nó lộ ra được. May mắn có âm nhạc làm bạn, cuộc sống của tôi cũng đỡ áp lực đi nhiều. Có giảng viên sau nhiều năm gặp lại còn bất ngờ vì không biết tôi bị cụt“, Phi kể.

Ở thành phố bức bí, năm 2018 Phi về quê mở phòng thu riêng. Không còn phải giấu giếm cái chân, Phi khiến bạn bè bất ngờ vì thằng bạn lầm lì ngày nào giờ tươi cười. Anh đăng video trải nghiệm dân dã, kỹ năng sinh tồn… lên mạng xã hội, kiếm thêm vài trăm nghìn mỗi tháng, bên cạnh thu nhập hơn một triệu đồng từ phòng thu. Phi nói nhiều hơn, rõ ràng và dõng dạc, tự tin hơn. Số tiền từ làm video, anh dành riêng ra, mua ít gạo, tôm, thịt hay cái thau, cái gối… cho những người già neo đơn.

Anh đang chăm sóc thường xuyên cho cụ Bầy và hai vợ chồng già bị mù ở cách nhà hơn 12 km. Mỗi tuần anh cũng dành ra một ngày để đến Huế giúp đỡ, dọn dẹp cho một cậu bé không có cha, còn mẹ bị tâm thần. Những người vốn sống tách biệt với xã hội giờ thấy Phi lại trò chuyện cởi mở.

Về đây mình gặp nhiều hoàn cảnh đáng thương, nên đồng cảm, muốn giúp đỡ. Nhưng đôi khi cũng nhận những lời như ‘thằng này khùng, rảnh’. Thực ra người già thì ăn uống có bao nhiêu, cái họ cần là sự chăm sóc“, ông bố 2 con chia sẻ.

Cơ thể không lành lặn, Phi vẫn thạo leo trèo, chặt củi, hái quả... bán kiếm tiền thêm cho gia đình. Ảnh: Trọng Nghĩa.
Cơ thể không lành lặn, Phi vẫn thạo leo trèo, chặt củi, hái quả… bán kiếm tiền thêm cho gia đình. Ảnh: Trọng Nghĩa.

Trời chuyển, cái chân cụt giật giật liên hồi, đau cả đêm không ngủ được nhưng Phi vẫn không hé nửa lời để vợ khỏi thức giấc. Hôm bão về, anh phải chờ ba và người anh rể tới sửa mái nhà, chắn thêm bao cát lên nóc. Đứng phía dưới, anh buồn miên man, ước gì mình có thêm cái chân, vì “nhà có chồng mà cũng như không”.

Thế nhưng vợ anh lúc nào cũng nói anh là người đàn ông hoàn hảo. “Anh ấy vừa tốt tính, vừa siêng năng, hiền lành, cái gì cũng được hết, chỉ không được lành lặn như người ta thôi. Anh ấy muốn làm gì tôi cũng ủng hộ, không thành công thì làm cái khác, chẳng sao”, chị Thu nói.

Ông Văn Phú Vân, trưởng thôn Xuyên Đông 2 (Nam Phước, Duy Xuyên) chia sẻ: “Phi luôn là người mà bà con chòm xóm dạy con cái ráng noi theo. Đi làm việc tốt thì không cần phải là người có tiền. Người có tâm như cậu Phi thì hơi hiếm“.

Trọng Nghĩa

Theo Vnexpress

CÙNG CHUYÊN MỤC