Người trẻ thành công sớm: Tại sao không ?
Với những người trẻ tuổi, tạo dựng sự nghiệp, có cuộc sống cân bằng, hạnh phúc là mối quan tâm lớn. Có những cá nhân xuất sắc đã đạt được nhiều dấu mốc quan trọng trong quá trình đó khi tuổi còn trẻ.
Châu Bùi: Từ gia sư đến một fashionista
Ngay từ khi 17 tuổi, cô gái học ban A, Bùi Thái Bảo Châu (Châu Bùi) đã bắt đầu kiếm tiền từ việc mở lớp gia sư cho các em khóa dưới, khiến ba mẹ cô rất hài lòng và yên tâm rằng cô sẽ đi theo nghề ngân hàng như hai chị. Nhưng đến năm18 tuổi, Châu Bùi bất ngờ quyết định tham gia lĩnh vực thời trang với mong muốn trở thành một biểu tượng thời trang hay còn gọi là fashionista mà vốn liếng lớn nhất lúc đó là “gu” ăn mặc có “chất”.
Cô gái với dáng người nhỏ nhắn này đã nhận ra niềm đam mê thời trang ngay từ khi còn ngồi trên ghế nhà trường. Cô thích mua những món đồ second-hand rồi phối hợp chúng với nhau theo phong cách riêng mình.
Đến nay, Châu Bùi được biết đến là một trong những fashionista trẻ được theo dõi bởi hơn 1,4 triệu người qua Instagram và cũng là đại diện Việt Nam tham gia nhiều sự kiện thời trang lớn của quốc tế. Bí quyết của Châu Bùi là nghiêm túc trong mọi công việc mình làm, mọi điều mình nói.
Để thuyết phục ba mẹ về lựa chọn của mình, Châu nói với ba mẹ rằng nếu một năm sau cô không thành công với con đường lựa chọn, cô quay trở về với công việc học tập. Và đến nay Châu phần nào chứng minh cho ba mẹ bản lĩnh và sự nghiêm túc của mình.
Nhưng con đường để trở thành fashionista Châu Bùi không tránh khỏi những nghi ngại khi hầu hết cho rằng cô còn quá trẻ và cao chưa đến 1,6 mét.
Có ba điều một fashionista thu hút nhãn hàng thời trang là hình ảnh, thông điệp và câu chuyện. Châu Bùi cho biết cô luôn cố gắng làm nhiều hơn cái cô có, truyền tải những thông điệp ý nghĩa, hướng đến phong cách sống tích cực. Không sinh ra từ gia đình giàu có nên câu chuyện của Châu mang đến cũng gần gũi với giới trẻ và dễ truyền cảm hứng hơn. “Tuổi trẻ có hai thứ rất nhiều đó là năng lượng và thời gian. Năng lượng đó rất quan trọng và việc đặt năng lượng vào một vấn đề lại càng quan trọng. Cái mà mình muốn hướng tới là truyền cảm hứng về phong cách sống tích cực,” Châu Bùi nói.
“Ngoài việc đi làm, học hỏi thì ngoài cố gắng thay đổi một chút về phong cách sống tích cực hơn, ăn uống, học tập, các hoạt động liên quan đến cộng đồng thay vì xem những chương trình tiêu cực, những tin đồn… Mình nghĩ đó là lý do các bạn muốn theo dõi từng ngày, từng video của mình,” Châu Bùi nói.
Thời trang là đam mê nhưng kinh doanh mới là thứ mà Châu Bùi theo đuổi. Hiện cô đang ‘tập tành’ những bước đầu tiên trong lĩnh vực kinh doanh với sản phẩm son môi dành cho sinh viên. “Tự lập đã len lỏi vào suy nghĩ của Châu từ khi còn đi học, mình muốn tự kiếm tiền để có mua được những món đồ mình yêu thích, không phải xin tiền bố mẹ,” fashionista sinh năm 1997 chia sẻ.
Trần Phương My: Cô gái của nỗ lực bền bỉ
Một người trẻ khác cũng mang đến câu chuyện thành công từ sớm là Trần Phương My, nhà sáng lập và giám đốc sáng tạo thương hiệu thời trang Phương My và My My, hiện có mặt ở hơn 17 quốc gia. Cô ví von hành trình khởi nghiệp như quãng đường dài không khác gì leo núi, người giỏi nhất chưa chắc là người về đích, chỉ có niềm đam mê thì không đủ đi tới cuối con đường nếu thiếu sự kiên trì bền bỉ.
Trước khi đến với thời trang, Phương My từng làm báo, rồi học luật, và hiện thời trang đang là điểm dừng chân trong sự nghiệp của cô gái trẻ này.
“Tuổi trẻ cho phép mình làm nhiều thứ, đó là lý do vì sao tôi không ngại thử khi còn trẻ, có thể sai,có thể vấp ngã nhưng không mất gì nhiều nhưng khi đến một độ tuổi nhất định, sự nghiệp nhất định thì mọi quyết định thay đổi của mình đều phải rất cân nhắc, vì nó không chỉ liên hệ với chính bản thân mình”, nhà sáng lập sinh năm 1988 nói.
Phương My chia sẻ, có những ngày thức dậy cô nghĩ đó là ngày cuối cùng trong ngành thời trang, nhưng cô phải khiến chính mình bước tiếp mỗi ngày ngay cả khi không đủ đam mê. “Đằng sau tôi còn có nhiều người, họ không chỉ hỗ trợ mà còn là động lực để mình cố gắng mỗi ngày. Quyết định của mình ảnh hưởng đến ngần đấy con người, mình cần sự chín chắn nhất định,” Phương My chia sẻ.
Phương châm của My là không bao giờ xem mình đang đứng trên đỉnh núi, bởi vì nếu ở trên đỉnh chỉ có con đường đi xuống, vì vậy phải xác định luôn trong tâm thế của người leo núi. “Cũng không quan tâm người khác vì mỗi người đều có ngọn núi cao hoặc thấp của riêng họ, chỉ cần biết mình muốn gì và quyết liệt để đạt được điều đó.”
Tôn Nữ Tường Vân: Mục tiêu phải thỏa mãn lý trí lẫn con tim
Không lựa chọn con đường khởi nghiệp, Tôn Nữ Tường Vân “đầu quân” cho tập đoàn hàng tiêu dùng đa quốc gia P&G. Cô hiện là giám đốc thương hiệu xả vải toàn cầu của P&G tại Geneva (Thụy Sĩ) khi mới ngoài 30 tuổi và hiện đã có 12 năm kinh nghiệm làm việc cho P&G tại 6 quốc gia.
Làm việc trong môi trường đa quốc gia, Tường Vân khá linh hoạt trong cách nói chuyện lẫn ngôn ngữ. Nhưng điều khiến cô gái này trở nên đặc biệt hơn là dù tuổi đời còn khá trẻ và đến từ quốc gia mà theo cô nhiều người trong Tập đoàn không hề biết đến nhưng Vân hiện đang đảm nhận ngành xả vải toàn cầu, một trong những ngành hàng quan trọng của Tập đoàn gắn với các thương hiệu như Downy, Lenor, Gain, Unstoppables. Cô cũng là người phát triển thành công thương hiệu Olay tại thị trường Việt Nam, tham gia vào việc tái cấu trúc nhãn hàng lớn như Febreze và Lenor tại Nhật và góp phần đưa doanh số tăng hàng trăm triệu đô-la Mỹ mỗi năm.
“Ba mẹ tôi hay thắc mắc tại sao con gái hay đi hoài, nhưng tôi thích công việc đó”, Tường Vân nói và cho biết thêm cô làm việc tại P&G từ khi còn là sinh viên đại học Ngoại thương, “Ở P&G tôi có được điều mình tìm kiếm, P&G trao quyền cho phụ nữ và luôn muốn có nhiều phụ nữ trong ban lãnh đạo”.
Cô cho biết điều học được trong môi trường đa văn hoá là phụ nữ đôi khi lại là thế mạnh. Một trong những sếp tốt nhất của cô là một phụ nữ “có cái đầu lạnh và trái tim nóng”, hiểu và định hướng được cần làm gì để vừa đạt mục tiêu của công ty vừa cân bằng được cuộc sống. Họ có thể rất lạnh lùng ở nơi làm việc nhưng ở gia đình rất ngọt ngào. Cuộc sống vì vậy trở nên đẹp hơn”, Tường Vân chia sẻ.
Vân thừa nhận trong những buổi họp công ty cô thường là người Việt Nam duy nhất có mặt, thậm chí nhiều người còn không biết Việt Nam nằm ở đâu trên bản đồ thế giới. Với dáng người nhỏ nhắn, cô thường nổi bật nhất trong số họ. Nhưng không chỉ vì ngoại hình mà còn bởi thực tế để có thể bước vào vị trí đó, cô gái nhỏ nhắn đó đã chứng tỏ thực lực của chính mình không hề nhỏ.
“Tôi luôn nghĩ mình thật may mắn khi sinh ra là người Việt Nam và có điều gì đó đặc biệt bên trong máu”, Tường Vân chia sẻ.
Nhưng con đường nào cũng không phải trải đầy hoa hồng, cả ba đều phải vượt qua những thử thách bản thân để có những thành quả hiện tại. Điểm chung của họ là điều có mục tiêu rõ ràng cho cuộc đời họ, đó là điều dẫn lối họ đến với thành công.
“Fashionista là nghề khá mới tại Việt Nam và nhiều người vẫn e ngại. Lúc mới vào nghề, nhiều người khuyên nên có chiêu trò tạo hình ảnh, nhưng tôi cố gắng đi con đúng đắn, định hình nghề nghiệp dù xa và lâu hơn nhưng bền vững. Mục tiêu nào cũng vậy, cần có kế hoạch dài hơn và những kế hoạch ngắn hơn”, Châu Bùi chia sẻ.
Với Phương My, cô cho rằng cô không bao giờ lan man trong điều mình muốn, mục tiêu mà mình nhắm tới. Bởi vì hôm nay mình muốn cái gì thì ngày mai mình sẽ có cái đấy. Nếu hôm nay mình muốn thành công trong ngành nghề và mình quyết liệt với việc đấy mỗi ngày thì ngày mai mình chắc chắn sẽ có được thành công.
Phương My, người sẵn sàng làm việc 16-18 tiếng/ngày, cho rằng rất nhiều người giỏi hơn mình đang không ngừng cố gắng, không có lý do gì cô cho phép bản thân mình dừng lại.
“Thành công chỉ là kết quả trong hàng ngàn thử thách và thất bại. Khi không làm được người ta thường đổ rằng do họ không may mắn, nhưng thực tế để có thành công thì mình đã phải vượt qua rất nhiều điều và thứ duy nhất mà người khác nhớ đến chỉ là thành công”, Phương My nói.
Còn với Tường Vân, lý do khiến cô gắn bó với P&G 12 năm là luôn luôn biết mục tiêu của mình là gì và kiên trì với nó. Mục tiêu đó phải thỏa cả lý trí lẫn con tim. “Mục tiêu không phải là cái gì đó quá lạnh lùng, không chỉ là tiền bạc và vị trí công việc, mà còn phải xuất phát từ trái tim, qua việc biết mình muốn gì. Thêm nữa, khi thiết lập mục tiêu, tôi thường thiết lập cho nó ở một mức độ rất cao. Bởi vì nếu mục tiêu quá dễ dàng đạt được, khi đã đạt được thì mình rất dễ chán, chẳng cần phải cố gắng, phải học thêm gì nữa”, Tường Vân nói.
Có một điều tôi hay nói với những đứa em của mình, hoặc là bạn bè, hoặc những bạn sinh viên nếu có dịp tiếp xúc là: “Đừng thay đổi mục tiêu, mà hãy thay đổi kế hoạch hành động của bạn!” Bởi trên con đường mình đi, lúc nào cũng sẽ có những chông gai, thử thách, những câu hỏi không có câu trả lời.
Nhi Phạm
Theo Forbesvietnam.com.vn