Định nghĩa mới cho ATM và niềm cảm hứng tuôn chảy
Nếu nói tin tức liên quan đến thời dịch Covid-19 tạo niềm hứng khởi trên mạng xã hội, được truyền thông trong nước hào hứng và báo chí nước ngoài, trong đó có những hãng thông tấn lớn loan tin nhiều nhất trong tuần qua, có lẽ không thông tin nào vượt được cây ATM gạo.
Nhắc tới cụm từ ATM, từ nhiều năm nay nó luôn đồng hành trong đời sống với bao nhiêu tiện lợi được quảng bá và cũng không ít phiền phức khi sử dụng. Chẳng hạn như việc phải xếp hàng lũ lượt chờ rút tiền, cho đến chuyện phí rút tiền, vốn không nhỏ đối với người lao động có thu nhập thấp, rồi chuyện ATM hết tiền, nuốt tiền…
Nên cũng dễ hiểu khi một hãng thông tấn nước ngoài thốt lên rằng: “Ở Việt Nam bây giờ có một thứ khác trên máy: gạo, và còn miễn phí. Các cây ATM đã được thiết lập để giúp những người bị ảnh hưởng nặng nề nhất trong đại dịch Corona”
Phải rất lâu từ khi ra đời, “cây ATM” mới được nhắc nhớ một cách thiện cảm, trìu mến và gợi nhiều cảm hứng đến vậy.
Bước vào/ ra khỏi cây ATM thường nhiều người sẽ mang một trong hai cảm giác: buồn bực hay vui. Bước vào/ ra khỏi cây ATM gạo, dường như chỉ thấy vui – niềm vui của người nạp gạo và niềm vui của người được “nhả gạo”.
Chưa bao giờ người ta nói về ATM một cách trìu mến thương yêu với nhiều năng lượng tốt lành như vậy. Thậm chí ATM gạo còn làm được việc mà ATM thường không làm được trong mùa cách ly: góp phần giáo dục nhận thức cần thiết trong việc phòng chống Covid-19, với việc rửa tay và giãn cách cự ly 2m.
“Cơ chế vận hành” các cây ATM gạo có thể khác nhau đôi chút, như ATM gạo ở Hà Nội thì dùng nút dậm chân thay vì nút ấn tay như ở Sài Gòn, nhưng đều chung một mục đích “nhả gạo” ra với những yêu thương chia sẻ đến những phận nghèo khó trong đại dịch.
Sứ mạng của cây ATM gạo đã ngày một lớn hơn nhiều so với nhu cầu thực tế ban đầu phát gạo cho người khó khăn. ATM gạo là khởi nguồn cảm hứng cho những ý tưởng sáng tạo phục vụ từ thiện. Nó được xem như một trong những đầu ra cho rất nhiều tấm lòng, mạnh thường quân muốn giúp đỡ người nghèo khó trong mùa dịch mà lúng túng chưa biết thực hiện cách nào cho tốt, khi vẫn đảm bảo thực hiện tốt chủ trương cách ly, giãn cách xã hội.
Nghệ sĩ Đại Nghĩa là người luôn gắn bó với việc từ thiện, anh cứ đắn đo mãi trước các nhu cầu, gửi gắm và trông đợi của công chúng về việc làm thêm một cái gì đó thiết thực hơn bên cạnh các chương trình thiện nguyện khác đã làm. Đại Nghĩa đã xúc tiến ngay việc hỗ trợ lắp đặt các trụ ATM gạo với Hoàng Tuấn Anh – cha đẻ ATM gạo được báo chí nhắc đến rất nhiều thời gian qua.
Khi Đại Nghĩa xắn tay áo vào việc lắp đặt trụ ATM gạo thì cũng là lúc rapper Đinh Tiến Đạt và bạn bè nhóm Góp Gạo của mình vừa kết thúc chương trình lấy cảm hứng từ ATM gạo, góp gạo cho “máy ATM gạo di động, đưa gạo đến những nơi thực sự cần mà không thể đến các điểm ATM gạo cố định để nhận”.
Bên cạnh việc cấp gạo cho các ATM gạo cố định, nhóm Góp Gạo do Tiến Đạt trực tiếp “chạy máy” đã âm thầm phát 12 tấn gạo đến các mái ấm tình thương, trung tâm nhân đạo có đông trẻ em mồ côi, người già, bệnh nhân Aids…
Chương trình chỉ diễn ra trong vòng một tuần, khi đã đủ số lượng, nhưng được sự ủng hộ nhiệt tình từ khắp nơi muốn tiếp tục. Điều quan trọng nhóm Góp Gạo làm được không chỉ là gần 50 tấn gạo gửi đi cho các ATM gạo, mà còn là thúc đẩy thêm tinh thần chung tay và lan tỏa về ý nghĩa của ý tưởng ATM gạo đã và đang được nhiều tỉnh thành trên cả nước hưởng ứng. Ban đầu có thể là một cỗ máy vật chất, cố định, sau đó có thể là một cỗ máy ATM gạo di động nhưng cũng có thể là những “chiếc máy yêu thương” chảy từ trái tim đến trái tim. Một đơn vị làm sách khác, khởi xướng 2 cây ATM gạo đầu tiên ở Hà Nội từ cảm hứng ATM gạo của Sài Gòn, cũng vừa dừng quyên góp tiền, gạo vì đã đủ phát cho đến ngày 30/4/2020. Đồng thời cũng chuẩn bị cho dự án sang quy mô lớn hơn, ATM gạo miễn phí toàn quốc. Một dự án với nguồn ban đầu do đơn vị này quyên tặng, kêu gọi sự chung tay của cộng đồng và sự ủng hộ của chính quyền địa phương (tại nơi lắp đặt). Tuy có nhiều khó khăn đang phải đối diện như đảm bảo an toàn vệ sinh dịch tễ, địa điểm, liệu có được sự đồng thuận hay không khi thực tế đã có một số nơi từ chối, có kiểm soát được việc “người không nghèo” đến nhận gạo, để gạo đến đúng đối tượng… Nhưng những người thực hiện vẫn đang rất tự tin dự án sẽ sớm lan tỏa, trong tinh thần “không một ai bị bỏ lại phía sau”!
Sơn Trà