Ngành du lịch nín thở chờ qua hạn dịch Covid-19
Ngành du lịch là một trong những ngành nghề bị ảnh hưởng bởi Covid-19 nặng nề nhất và hầu như ngay lập tức.
Dù từng trải qua nhiều biến động về những trận dịch trước đây như SARS, nhưng không ngờ dịch Covid-19 là đòn chí mạng giáng xuống bất ngờ khiến hầu hết ngành du lịch không kịp trở tay, nhất là các đơn vị lữ hành.
Mùa Tết nín thở và tháng Giêng ảm đạm
Van Bill, công ty Bayon travel kể, nguyên cái Tết vừa qua anh không nghỉ mà trực chiến bên điện thoại. Trước khi lệnh cấm bay của Cục Hàng không Việt Nam với chuyến bay giữa Việt Nam và Trung Quốc có hiệu lực, hàng trăm chuyện có tên và không tên cần phải xử lý khiến anh và các nhân viên chủ chốt của công ty này không biết đến nghỉ Tết là gì. Phải thu xếp cho êm từ chuyện đổi lịch trình, cắt lịch trình và giải thích, vận động, thậm chí năn nỉ cho du khách hiểu mà chịu về nước trước khi có lệnh cấm, đến chuyện các chuyến bay charter với các đoàn khách từ nhiều vùng khác nhau của Trung Quốc không chịu cùng lên máy bay chung về nước, vì nghi kị, phải thuyết phục, bảo lãnh, phối hợp với các đối tác để xử lý…
Bayon travel chỉ là một trong hàng chục công ty du lịch đang khai thác nhiều tuyến tour đến Trung Quốc, đều lâm vào tình trạng tương tự. Sau những xáo trộn tour, đưa khách về Việt Nam cho kịp thời gian, là ế ẩm đến, công ty gần như tê liệt hoạt động. Nhiều công ty du lịch nhỏ và vừa đã phải cắt giảm nhân sự, giảm lương và thậm chí tuyên bố thẳng là cho nhân viên nghỉ không lương. Nếu trả lương, cũng chỉ ở mức 50-70% lương. Đừng nghĩ chỉ có các công ty du lịch vừa và nhỏ mới bị tình cảnh này. Các đơn vị lữ hành lớn vào loại hàng đầu cũng chẳng khấm khá hơn. Những công ty lớn đang cố gồng gánh cho qua giai đoạn khó khăn này. Đại diện một công ty du lịch lớn cho biết, ban giám đốc hứa sẽ bảo đảm đầy đủ lương cho nhân viên cho đến hết tháng 3, rồi sau đó thì tính tiếp. Nghĩa là không ai bảo đảm rằng sau 3 tháng, mọi việc có thể ổn hơn!
Ngay cả một số công ty nhỏ, kinh doanh thị trường ngách, như Offtrack travel, chuyên tour độc lạ, phân khúc khách không phổ cập, cũng bị ảnh hưởng. Ông Thành Cao, giám đốc công ty này cho biết 50% tour của công ty bị hủy, trong đó tuyến tour đi Tây Tạng, một trong những thế mạnh của công ty này, bị hủy hoàn toàn, dù sắp vào mùa du lịch đến xứ này.
Chuyển hướng và… nằm chờ
Đại diện truyền thông của lữ hành Saigontourist cho biết, thời gian này là dịp để công ty ổn định, rà soát, kiện toàn lại bộ máy nhân viên; tập huấn, bồi dưỡng nâng cao nghiệp vụ nhân viên – những việc mà trước kia do bận bịu, thì nay được thực hiện tập trung, bài bản hơn.
Hoàng Phương, giám đốc công ty Golden Smile cho biết, ngoài du lịch, công ty còn kinh doanh một số mảng khác như in ấn, may mặc, truyền thông… Doanh thu không khả quan nhưng cũng tàm tạm để bù đắp cho doanh thu du lịch bằng không, thậm chí âm trong thời gian này. “Nặng nhất là các tour của tháng 5-6, vào dịp lễ và Hè, mùa khách đoàn nhiều. Thông thường thời gian này hàng năm đã chuẩn bị sẵn sàng, khách đăng ký rất nhiều nhưng nay khách đều hủy hết”.
Là một công ty du lịch chuyên về thị trường Trung Quốc với nhiều tuyến tour ăn khách luôn được vận hành khai thác triệt để, nay Bayon travel đang phải xử lý cho hết các hợp đồng đã bị hủy, phải chuyển hướng khai thác mạnh sang nhiều thị trường khác mà lâu nay chỉ là tuyến tour phụ như châu Âu, Dubai, Úc… Hoặc ở châu Á thì tìm kiếm những nơi chưa bị ảnh hưởng dịch như Lào, Bhutan, Mông Cổ…
Đây là xu hướng chung của nhiều đơn vị lữ hành, bất kể lớn nhỏ. Ai nấy đều nín thở chờ qua dịch chứ không biết cụ thể tương lai sẽ thế nào. Nhiều biện pháp kích cầu được đưa ra, như giảm giá tour, tặng quà, hoặc có đơn vị như Offtrack travel sẽ mua bảo hiểm toàn cầu tặng khách. Nhưng không ai tin chắc là sẽ lôi kéo được khách hàng rời khỏi nhà đi xa trong mùa đại dịch này.
Bà Kim Thoa – đại diện truyền thông Saigontourist cho biết, khách hỏi thăm các tour dịp 30/4, 1/5 hiện cũng khá nhiều. Khá nhiều khách vẫn bày tỏ hy vọng đại dịch sẽ kết thúc trong tháng 4 nên cũng đã có dự tính đi chơi. Nhưng đó chỉ là dự tính… của khách.
Gắng gượng, hoạt động cầm chừng chờ qua đại dịch là tâm lý chung của các đơn vị lữ hành khi chưa tìm được lối ra nào khả dĩ! Không lạ khi các hướng dẫn viên du lịch đang trong tình trạng ngồi chơi xơi nước ở nhà, và phải bươn chải tranh thủ buôn bán hàng online để kiếm thêm. Mới đây, có nguồn tin nội bộ chưa được kiểm chứng gây choáng cho dân trong ngành, từ một công ty du lịch lớn của Việt Nam, là họ thất thu đến 50 tỷ đồng chỉ trong mùa dịch Covid-19 này. Nhân viên công ty này đang đứng trước nguy cơ nghỉ việc hàng loạt. Thực hư thế nào chưa rõ, nhưng rõ là, nạn dịch đã và vẫn đang tiếp tục để lại nhiều di chứng nặng nề cho ngành du lịch nói chung và các công ty lữ hành nói riêng.
Bài & ảnh: L.M.Hạ