fbpx

Nhịp sống đô thị những ngày cuối năm 2019 qua góc nhìn một tài xế xe buýt

Lượng hành khách tăng cao vào những ngày cận Tết dương lịch 2020 nên lái xe, phụ xe của các tuyến xe bus (xe buýt) chịu nhiều áp lực đi đúng lộ trình, đúng giờ, không được bỏ sót các điểm dừng, nhà chờ xe bus và đặc biệt phải đảm bảo an toàn… Và trong những giờ phút ít ỏi rời xa vô lăng nghỉ mệt, anh Đỗ Thành Trung (Xí nghiệp xe bus 10-10) đã có cuộc trò chuyện thú vị với phóng viên Người Đô Thị về cuộc sống của một bác tài xe buýt, về giao thông Hà Nội và nhịp sống đô thị cứ hối hả trôi…

Ùn tắc giao thông không cải thiện

Trong thời gian gắn bó với tuyến xe 01, anh thấy tình hình giao thông có gì thay đổi?

Tài xế Đỗ ThànhTrung: Tôi bắt đầu chạy tuyến 01  từ cuối năm 2015 đến nay, được khoảng hơn bốn năm và nhận thấy rằng, mật độ giao thông của Hà Nội ngày càng tăng, ùn tắc giao thông ngày càng nhiều.

Ùn tắc một phần là do phương tiện cá nhân càng ngày càng nhiều, thứ nữa là chung cư xây lên nhiều quá. Chung cư cao tầng phát triển thì lượng dân về ở tăng, lượng người đi lại sẽ tăng theo, mà lượng phương tiện tăng thì bao giờ cũng gây tắc đường…

Anh Đỗ Thành Trung, tài xế xe bus tuyến 01.
Anh Đỗ Thành Trung, tài xế xe bus tuyến 01.

Việc xe bus không có làn đường riêng cũng sẽ ảnh hưởng đến thời gian di chuyển của xe bus?

Tất nhiên rồi (cười). Hạ tầng giao thông của Hà Nội “thô sơ” nên xe bus đang đi chung một làn hỗn hợp. Vào giờ cao điểm sáng hay chiều, xe bus to và cồng kềnh di chuyển khó khăn dẫn đến tốc độ xe giảm xuống, thời gian di chuyển từ điểm A đến điểm B sẽ bị tăng lên..

Ví dụ người ta cần đi trong 50 phút nhưng giờ cao điểm, thời gian có thể bị kéo dài lên tới 60-70 phút. Điều này làm giảm sức cạnh tranh của xe bus so với các phương tiện khác. Nếu đi xe máy, phương tiện cá nhân họ có thể đi nhanh hơn một chút, nhưng mà ai cũng dùng xe cá nhân thì đường sẽ lại càng tắc, lúc đấy xe các nhân sẽ đi chậm hơn xe buýt. Nói chung nếu như tất cả đều sử dụng xe bus phương tiện giao thông công cộng, thì tình hình giao thông mới được cải thiện

Theo anh, tình trạng ùn tắc giao thông có làm ảnh hưởng đến số lượng người sử dụng xe bus không?

Ở tuyến 01, tỉ lệ từ hành khách vẫn ổn, tức là nó cũng có sụt giảm so với trước đây nhưng không đáng kể. Tại vì đây là tuyến trung tâm, tuyến xuyên suốt trong nội đô thành thử ra lượng khách vẫn ổn định hơn các tuyến khác. Tuyến 01 có 17 xe hoạt động hàng ngày, tần suất 10 phút/chuyến vào giờ bình thường và 15 phút/chuyến vào giờ thấp điểm (ngoài 8h tối).

Tuyến xe bus 01 là tuyến xuyên tâm  Tây - Đông  thành phố, vượt sông Hồng,  từ bến xe  Yên Nghĩa –  bến xe Gia Lâm và ngược lại. Ảnh tư liệu.
Tuyến xe bus 01 là tuyến xuyên tâm Tây – Đông thành phố, vượt sông Hồng, từ bến xe Yên Nghĩa – bến xe Gia Lâm và ngược lại. Ảnh tư liệu

Ùn tắc giao thông khiến thời gian di chuyển kéo dài, tất yếu sẽ khiến một số hành khách sẽ phải thay đổi phương thức đi lại. Người ta cũng tính toán lại thời gian đi lại, có thể trước người ta hay đi vào giờ cao điểm thì bây giờ họ đi sớm hơn hoặc thay đổi thời gian đi.

Lượng khách giờ cao điểm vẫn đông, vẫn chật xe và không sụt giảm đáng kể bao nhiêu.

Thời người giàu cũng đi xe bus

Những đối tượng nào hiện nay thường hay đi xe bus, thưa anh?

Trên xe buýt không khác gì một xã hội thu nhỏ: người có học có, người không có học cũng có, người đàng hoàng cũng có, người không đàng hoàng cũng có… nói chung là nhiều thứ lắm.

Nhiều người có kinh tế, có điều kiện, có ô tô riêng nhưng đi làm họ vẫn sử dụng xe bus vì đi làm không có chỗ gửi xe và để bảo vệ môi trường. Còn những người điều kiện thấp, người ta cũng đi xe buýt vì xe buýt nó là một phương tiện có giá rẻ nhất rồi, không còn phương tiện nào có thể rẻ hơn. Đi từ BX Yên Nghĩa –  BX Gia Lâm và ngược lại chỉ phải trả 7.000đ /lượt. Nếu mua vé tháng liên tuyến thì còn rẻ hơn. Mà bây giờ, thành phố có chính sách miễn phí cho các cụ từ 60 tuổi. Đấy là một khối lượng hành khách rất đông, bây giờ các cụ đi nhiều lắm.

Anh thấy, văn hóa ứng xử của hành khách đi xe bus hiện nay có nhiều cải thiện so với trước đây?

Tôi thấy rằng bây giờ hành khách trên xe cũng đang văn minh hơn. Đa số hành khách sẽ chủ động nhường chỗ, giúp đỡ những đối tượng như người già, người khuyết tật, phụ nữ có thai và trẻ em. Hành khách thường chủ động dắt những người khiếm thị, khiếm thính lên xe và đưa vào chỗ ngồi ưu tiên. Nhiều trường hợp, khi thấy một người khuyết tật đi xe lăn, nhiều khi phụ xe, lái xe còn chưa kịp phản ứng, hành khách đã xuống giúp đỡ bê xe lăn lên xe.

Tuy nhiên, việc giữ gìn vệ sinh trên xe vẫn là  vấn đề nan giải. Một số hành khách khi ngồi trên xe một chặng đường dài 1 tiếng đồng hồ, họ “buồn tay” nhét vé xe buýt vào kính xe, ăn kẹo cao su dính vào gầm ghế, hay nói chuyện trên xe rất to…Phụ xe phải nhắc liên tục, nhắc được một lúc thì lại nói tiếp. Nói chung cái này cũng phải nhắc nhở thôi, tác động tới ý thức của hành khách dần dần thôi…

Từ “hàng im đến hàng nói”

Cơ duyên nào đã khiến anh gắn bó với công việc lái xe bus?

Tôi bắt đầu lái xe từ năm 1998. Trước đây tôi lái xe tải chạy đường dài ở các vùng rừng núi của Tây Bắc. Tôi đã nghỉ lái xe, làm công việc khác một thời gian, nhưng cảm thấy vẫn yêu nghề lái xe nên lại tiếp tục đi học để nâng bằng, sau đó xin vào lái xe ở công ty xe buýt Hà Nội. Nghề lái xe nó ngấm vào máu rồi! Nghề nghiệp mà, nghề nó đi theo nghiệp! Tôi đã chọn nghề này dù nó rất vất vả.

Trong ngành vận tải, người ta hay gọi hàng xe tải là “hàng trật tự” “hàng im”, còn xe khách là “hàng biết nói”. Hai “hàng” này khác nhau, đi xe tải thì chỉ biết chạy xe, còn lái xe bus được giao tiếp với mọi người nên có những sự thú vị riêng.

Hà Nội hiện đang có hơn 100 tuyến xe buýt với hàng nghìn lái xe và phụ xe phục vụ hàng triệu lượt hàng khách mỗi năm. Ảnh minh hoạ: Hà Nội Mới
Hà Nội hiện đang có hơn 100 tuyến xe buýt với hàng nghìn lái xe và phụ xe phục vụ hàng triệu lượt hàng khách mỗi năm. Ảnh minh hoạ: Hà Nội Mới

Người ta nói, những người làm dịch vụ công cộng chẳng khác gì làm dâu trăm họ, làm thế nào để anh có thể làm vừa lòng hành khách đi xe?

Hành khách đi xe bus thuộc nhiều đối tượng khác nhau nên chiều lòng cũng khó. Mình chạy xe buýt cứ thoải mái một chút, thoải mái trong khuôn khổ, vui một chút, có thể vừa chạy vừa nói một vài câu vui vui, bông đùa nhẹ nhàng hoặc với hành khách, vừa để tạo sự thoải mái cho mình, vừa làm cho hành khách không bị áp lực, căng thẳng.

Còn để bản thân thấy thoải mái với công việc lái xe đầy áp lực?

Công việc lái xe là việc làm hàng ngày, nên hàng ngày trước khi đi làm mình luôn để đầu óc thoải mái, không nghĩ quá nhiều đến việc đường tắc hay không tắc, khách đông hay vắng. Xe chở chứ mình có phải cõng nó trên lưng mình đâu!

Tắc đường nó là cái chung rồi, mình muốn đi nhanh cũng không được mà mình muốn đi chậm cũng không được, cứ bình tĩnh rồi sẽ qua hết. Thoải mái đầu óc thì mình cảm thấy đi làm  nhẹ nhàng lắm! Chứ chưa lên xe đã đẩy áp lực lên chính bản thân mình thì sẽ thấy nó sẽ nặng nề hơn.

Và tất nhiên tâm trạng thoải mái của người lái xe là điều kiện đầu tiên để đảm bảo an toàn cho các hành khách trên xe cũng như là người tham gia giao thông dưới đường. An toàn là yêu cầu hàng đầu, nên để đảm bảo một ca làm việc an toàn, trước khi nhận ca người lái xe phải kiểm tra hệ thống an toàn của xe, kiểm tra kĩ thuật xe để đảm bảo việc vận hành.

Đến khi chạy xe mà người lái xe cảm thấy hôm nay sức khỏe không được đảm bảo thì nên báo với đội điều hành cho nghỉ, rượu bia thì tuyệt đối không rồi… Chỉ cần sơ sểnh một giây là có thể xảy ra tai nạn ngay, mà tai nạn lúc đấy thì nó sẽ phát sinh nhiều thứ lắm.

Cám ơn anh về cuộc trò chuyện.

Minh Hân (thực hiện)

Theo nguoidothi.net.vn

 

Link nguồn: https://nguoidothi.net.vn/nhip-song-do-thi-nhung-ngay-cuoi-nam-2019-qua-goc-nhin-mot-tai-xe-xe-buyt-22059.html

CÙNG CHUYÊN MỤC