Những ngôi chùa nổi tiếng xứ Phù Tang: Ngôi cổ tự đẹp nhất cố đô
Đã đến cố đô Kyoto của Nhật Bản, du khách nào cũng được khuyên nên đến thăm chùa Kiyomizu-dera, được người Việt quen gọi là chùa Thanh Thủy. Nếu là Phật tử, bạn càng không thể bỏ qua di sản văn hóa thế giới này.
Kiyomizu tiếng Nhật có nghĩa là thanh thủy (nước thiêng) và cái tên này trở thành tên hay được gọi nhất của chùa, nhất là với du khách người Việt. Chùa được xây dựng vào năm 778, từng nhiều lần bị cháy, trải qua nhiều đợt trùng tu, kiến trúc hiện nay của chùa được xây dựng từ năm 1663.
Tôi đến Thanh Thủy vào một ngày chớm Thu, hơi sớm một chút so với thời điểm đẹp đẽ nhất trong mùa Thu của ngôi chùa. Nhưng khung cảnh khi tôi đến đã đủ hớp hồn mình, khi nhìn nắng chiều trong veo đang kéo mặt trời lặn xuống sau những rặng cây. Nắng rọi bên hông chùa, lên những cột kèo, vách gỗ, mái chùa hàng trăm năm trầm măc trông thật ấn tượng, như rất bình thản trước bao lượt chân du khách tò mò tìm đến.
Độc đáo ngôi chùa gỗ không đinh
Chính điện chùa Thanh Thuỷ được dựng trên vách núi, có 139 cây cột gỗ cao 12m, dùng kết cấu rường cột giao nhau tạo thành mặt tiền, thành thế tựa sơn diện thủy rất độc đáo. Kiến trúc của chùa luôn khiến du khách trầm trồ ngạc nhiên bởi nó xây theo một phương thức rất đặc biệt. Sàn nhà được ghép từ hơn 410 miếng gỗ bách. Ban công và toàn bộ ngôi chính điện được đỡ bởi hàng trăm cột gỗ chống vào sườn đồi tạo ra cảm giác tòa kiến trúc này như ở trên không, như nhô ra giữa những tán cây mọc ven sườn núi. Tất cả quần thể kiến trúc kết lại với nhau được dùng mộng cá không đóng một cây đinh. Đây cũng là điểm độc đáo nhất của chùa khi tất cả các cột gỗ, khối vì kèo, mộng được sắp xếp, lắp ráp, gác lên nhau rất khéo léo mà không cần đến một cây đinh nào!
Ở trước cửa chính của chùa là vũ đài làm bằng cây thông tuyết trắng (cây bách Nhật). Từ đây bạn có thể ngắm toàn cảnh Kyoto. Xưa kia mục đích của vũ đài là nơi múa nhạc dâng thần linh. Nhưng nơi này lại nổi tiếng hơn với chuyện nhiều người chọn nhảy từ vũ đài xuống đất để chứng tỏ sự dũng cảm cho đến khi nó bị cấm hoàn toàn. (Theo người dân nơi đây kể lại, có khoảng hơn 200 người đã nhảy từ trên tòa kiến trúc này xuống chân đồi với hy vọng nếu sống sót sẽ là người có nhiều phúc. Nhưng không phải ai cũng sống sót sau hành động mạo hiểm này!)
Có một sự cổ kính trầm mặc đối lập với màu rực rỡ của tháp và cổng trong quần thể kiến trúc này. Nhưng ngôi cổ tự lại không lạnh lẽo mà ngược lại rất ấm cúng với không biết bao nhiêu bước chân của khách ghé thăm. Chùa luôn đông khách, cả người Nhật lẫn du khách nước ngoài. Dòng người đông đảo lúc ẩn lúc hiện giữa các con đường ven núi quanh chùa, trong những tán cây xanh rì đang đến mùa thay sắc lá, mà không nghe huyên náo ồn ã như thường thấy ở những điểm du lịch đông khách ở các xứ khác.
Ngẫm từ dòng thác sau chùa
Ngay phía sau chùa là thác nước Otowa no taki, một dòng nước được bắt nguồn từ trên núi và đổ xuống khuôn viên của ngôi chùa, chảy xuống theo đường dẫn thành ba dòng rồi đổ vào một cái hồ lớn. Mỗi dòng đại diện cho một ý nghĩa khác nhau: sự trường thọ, khỏe mạnh và thành công trong học tập. Du khách thường hứng nước này để uống không chỉ vì nước đấy rất tinh khiết, mà vì niềm tin rằng nếu ai uống được nước này thì mọi ước nguyện đều được thỏa ý.
Hôm tôi đến, rất đông người xếp hàng để được hứng nước ở 3 dòng nước tinh khiết từ núi chảy ra. Trong đó có rất nhiều cô cậu học trò nhỏ. Chúng nghịch ngợm như bản tính hiếu động vốn có của tuổi học trò, nhưng rất ngoan ngoãn nghe theo lời “khuyến cáo” của những người hướng dẫn. Đó là không được tham lam uống cả 3 dòng nước. Nếu thần thánh thấy mình tham lam quá, cái gì cũng muốn, thần sẽ không cho gì cả. Đời là một sự lựa chọn. Các bạn phải lựa chọn một hoặc hai thứ mà thôi: Học giỏi, tiền tài hay sức khỏe. Đã có không ít câu chuyện kể về sự tham lam của du khách khi nhất định phải uống cho đủ cả ba dòng nước!
Hẳn nhiên, thông qua câu chuyện tâm linh còn tùy thuộc vào niềm tin của từng người. Nhưng cũng đủ cho một du khách ở xa đến như tôi chiêm nghiệm ra được nhiều điều liên quan đến các quan điểm của nhà Phật, hay nói rộng ra, những quan điểm trong cuộc sống. Bạn có thể chọn lựa nhiều thứ cho cuộc sống mình, nhưng không có nghĩa là tham lam ôm đồm tất cả.
Vài ý cho sổ tay hành trình
Từ bãi đỗ xe đến cổng chính vào chùa là một con đường dốc liên tục nhưng dễ đi, khá đẹp và các ngôi nhà xinh xắn cùng với những hàng quán cửa hiệu nhìn ưng mắt sẽ khiến bạn quên đi chuyện mỏi chân. Nơi đây có rất nhiều cửa hàng bán các đồ thủ công mỹ nghệ truyền thống của cố đô như búp bê truyền thống Nhật Bản, dù, quạt giấy, guốc gỗ, đồ gốm sứ…, rất hợp để bạn mua làm quà lưu niệm. Và đặc biệt là các cửa hiệu bánh ngọt truyền thống Nhật Bản. Bánh làm bằng bột gạo với nhân đậu đỏ, dễ ăn và giá cũng vừa phải để bạn có thể mua về làm quà. Khoảng trên dưới 300 yên/ hộp.
Tham quan chùa, nếu không đi cùng hướng dẫn viên thì xe bus là phương tiện công cộng thuận lợi nhất khi đi đến nơi này cũng như đi chơi trong thành phố Kyoto. Lý do là các hãng tàu điện ngầm chỉ chạy một vài tuyến nhất định, các ga lại cách xa nhau, nên không phù hợp với việc di chuyển đến địa điểm mong muốn. Điểm thứ hai là di chuyển bằng xe bus khá rẻ, đặc biệt nếu bạn lên xuống trên 3 lần (cả đi lẫn về), do xe bus có loại vé 500 yên đi trong một ngày.
Bạn nên có bản đồ xe bus Kyoto. Bản đồ xe bus có thể download trong mục các bản đồ thành phố Kyoto. Bản đồ xe bus này có thể xin miễn phí ở ga Kyoto (Kyoto Station/Eki) hoặc bến cuối Kita Ooji (Kitaoji bus terminal). Lưu ý xe bus ở Kyoto lên từ đằng sau xe và xuống ở đằng trước. Mỗi khi sắp dừng tại bến nào, xe đều có thông báo tên (bằng tiếng Nhật). Những trạm dừng quan trọng (địa điểm thăm quan, bến tàu) thường có thêm hướng dẫn tiếng Anh. Xe bus đều được đánh số thể hiện các tuyến đường xe chạy. Giao thông ở Nhật chiều thuận là bên trái. Để bắt xe bus bạn cần đón tại bến phía trái của hướng cần đến. Cùng một thời điểm luôn có hai tuyến xe bus cùng số nhưng chạy ngược nhau. Bạn chỉ cần sang bên kia đường là bắt được tuyến xe bus đi về phía ngược lại. |
Bài & ảnh: L.M.Hạ.