fbpx

Gần nửa triệu hộ dân ở TP.HCM vẫn khó sở hữu nhà

476.000 hộ đang sinh sống ở TP.HCM trong tình trạng chưa có nhà hoặc đang sống với người thân, chiếm ¼ tổng số hộ gia đình của toàn thành phố, theo số liệu từ Hiệp hội Bất động sản TP.HCM (HoREA).

Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn
Ảnh minh họa. Nguồn: vneconomy.vn

Đa phần các hộ nằm trong nhóm có thu nhập thấp nên nhu cầu mua nhà ở thương mại và vừa túi tiền (căn hộ 1 – 2 phòng ngủ giá dưới 1 tỉ đồng), hoặc thuê mua nhà xã hội trả góp trong vòng 15 năm.

Theo HoREA, con số trên sẽ tiếp tục tăng vì trong mười năm qua, dân số thành phố đã tăng thêm 1,8 triệu người, nâng tổng dân số lên gần 9 triệu người. Nếu tính luôn lượng người nhập cư, con số từ ngành công an đưa ra là 13 triệu.

Tính đến tháng 6/2019, diện tích nhà ở bình quân trên mỗi người dân tại TP.HCM đạt 19,9m2, vượt chỉ tiêu đề ra là 19,8m2 và dự kiến cuối năm 2020 sẽ đạt 20,3m2/người. Tuy nhiên mức độ chênh lệch cao giữa các phân khúc thu nhập dẫn đến gần nửa triệu hộ dân là những người có thu nhập thấp và người nhập cư vẫn không đủ khả năng sở hữu m2 nhà ở nào.

Phát biểu tại hội thảo về giải pháp phát triển nhà giai đoạn 2021 – 2035 sáng nay (17/9), chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong cho biết hiện vẫn còn nhiều người có thu nhập thấp sinh sống trong điều kiện kém an toàn, không đảm bảo vệ sinh môi trường và phần lớn không có khả năng sở hữu hoặc thuê nhà ở với mức giá phù hợp.

Việc xây dựng cơ chế, giải pháp phát triển nhà ở đảm bảo an sinh xã hội, đáp ứng nhu cầu về nhà ở cho người có thu nhập thấp, người nhập cư là yêu cầu lớn đặt ra cho một đô thị có mật độ số quá cao như TP.HCM”, chủ tịch Phong nói.

Trong 30 năm qua, TP.HCM đã có chín mô hình phát triển nhà ở để đáp ứng tốc độ gia tăng dân số, trong khi các dự án dành cho nhóm thu nhập cao được hấp thụ khá tốt thì các điểm nghẽn nằm ở nhóm người dân cư thu nhập thấp.

Điển hình như mô hình nhà ở xã hội, theo HoREA thống kê, nguồn cung vẫn thiếu so với cầu. Hay mô hình hộ gia đình cá nhân tự xây dựng nhà cho thuê dù chiếm hơn 60% diện tích sàn xây dựng năm 2018. Mặc dù, giải quyết được phần nào nhu cầu xã hội nhưng lại để lại các hạn chế là hình thành các khu dân cư tự phát, thiếu an toàn, an ninh.

Theo ông Yap Kioe Sheng, tiến sĩ khoa học xã hội và nhân chủng học, dựa trên kinh nghiệm của Thái Lan, việc phát triển nhà ở cho người thu nhập thấp không chỉ chú ý đến vị trí hay giá trị căn nhà, khả năng thu nhập mà còn dòng tiền tạo ra từ căn nhà họ ở, các mối quan hệ địa phương mà họ đang có. Nếu thiếu các yếu tố này thì những người thu nhập thấp sẽ gặp khó khăn trong tương lai.

Theo ông Lê Hoàng Châu – chủ tịch HoREA, việc tái định cư tại chỗ phải được ưu tiên số 1, hoặc tái định cư gần địa bàn quận tránh việc người dân ra khỏi địa bàn sinh sống, làm ăn quen thuộc. “Đối với các khu vực ngoại thành, cần quản lý chặt việc phân lô bán nền trái phép dẫn đến nguy cơ phá vỡ quy hoạch đô thị, đầu cơ tạo các cơn sốt ảo giá đất“, ông Châu cảnh báo.

Đại diện HoREA cũng đề nghị với thực trạng có đến 42% nhà ở dưới 30m2/căn như hiện nay, cơ quan quản lý cần xem lại quy định diện tích tối thiểu được tách thửa hiện nay là 36, 50 và 80m2 để giải quyết bài toán nhà ở.

Công Sang

Theo forbesvietnam.com.vn

 

CÙNG CHUYÊN MỤC