9 loại thực phẩm không nên cho vào tủ lạnh
Để một số thực phẩm vào tủ lạnh có thể gây nhiều tác hại hơn là lợi ích. Cà phê, bánh mì, cà chua có thể mất hương vị và thậm chí thối rữa sau khi bảo quản trong tủ lạnh.
Hãy quên đi những gì mà cha mẹ hay người thân nói với bạn. Thông thường, sự lựa chọn để hay không để một số thực phẩm vào tủ lạnh xuất phát từ tập quán của đất nước hay gia đình của bạn, hay chỉ là sở thích cá nhân của mỗi người.
Nhưng chúng ta không thể tự tiện đưa ra quyết định liên quan đến thức ăn. Để bảo quản tốt thực phẩm, có những quy tắc nghiêm ngặt cần tuân theo. Những thực phẩm sau đây không bao giờ nên để trong tủ lạnh:
1. Cà chua
Tốt nhất là để cà chua vào tủ đựng thức ăn chứ không phải trong tủ lạnh. Thật vậy, cà chua rất nhạy cảm với éthylène, một loại khí làm tăng tốc độ chín. Bằng cách tách cà chua ra khỏi các thực phẩm tỏa ra éthylène như chuối, táo, lê và cam, chắc chắn chúng ta có thể giữ cho cà chua tươi lâu hơn.
Nhiều nghiên cứu ghi nhận rằng bảo quản cà chua dưới 120C sẽ hạn chế khả năng sản xuất chất tạo ra mùi thơm và vị của cà chua. Vì vậy, cà chua sẽ bị nhạt nhẽo sau thời gian bảo quản trong tủ lạnh.
Fiona Mair, phụ trách tạp chí Choice của Úc, cho biết: “Cà chua bị mất hương vị khi đặt trong tủ lạnh. Cá nhân tôi luôn giữ cà chua trong một cái tô hay để cà trên thành của sổ”. Fiona khuyên nên mua pha trộn cà chua cứng và mềm. Nhờ đó, bạn có cà chua chín để ăn trong suốt tuần.
2. Cà phê
Không bao giờ lưu trữ cà phê trong tủ lạnh dù đã xay ra hay còn nguyên hạt, ngay cả cà phê được để trong hộp kín. Lý do: cà phê có đặc tính khử mùi và hấp thụ độ ẩm, mùi và hương vị chung quanh nó. Đây cũng là lý do tại sao cà phê được sử dụng để hút mùi hôi trong giày. Vì vậy, sau khi để trong tủ lạnh, ly cà phê buổi sáng của bạn sẽ có một chút hương vị của tủ lạnh. Tốt hơn là giữ cà phê trong hộp kín và để trong bóng tối.
3. Các loại củ
Các loại củ như khoai tây, hành tây, khoai lang và tỏi phát triển tốt ở ngoài giỏ rau củ. Độ ẩm cao trong tủ lạnh có thể làm cho các loại củ hư nhanh hơn. Quan trọng hơn nữa là không nên dự trữ các loại củ này chung với nhau vì điều này có thể ảnh hưởng đến hương vị của chúng.
Theo Aloysa Hourigan, chuyên gia dinh dưỡng, phụ trách truyền thông thành viên tổ chức phi chính phủ về dinh dưỡng Úc, có một số ngoại lệ trong việc bảo quản các loại củ.
“Tốt nhất là bảo quản củ hành bên ngoài tủ lạnh. Sau khi xắt ra, nên cho củ hành xắt vào hộp kín và có thể để trong tủ lạnh”, Aloysa giải thích. Tương tự như củ hành, nên bảo quản bí ngô ngoài tủ lạnh trong vài tuần. Nhưng sau khi cắt ra, cách bảo quản tốt nhất là cho bí ngô vào tủ lạnh.
4. Các loại dầu
Fiona Mair cho biết: “Dầu dừa phụ thuộc vào thời tiết. Nó sẽ đông cứng ở nhiệt độ dưới 24 độ C. Vì vậy, tốt nhất là giữ nó ở nơi tối, mát mẻ như tủ đựng thức ăn”.
Nhưng Fiona chỉ dẫn cách bảo quản dầu quả hồ đào và dầu từ các loại hạt tốt nhất là để vào tủ lạnh, nếu không chúng sẽ dễ bị oxy hóa và ôi nhanh hơn.
5. Bánh mì
Không có chỗ cho bánh mì trong tủ lạnh. Nếu để trong tủ lạnh, bánh mì sẽ teo lại mau hơn. Thay vào đó, hãy giữ bánh mì trong hộp kín khí hay trong túi kín. Tránh dùng túi plastic vì nó sẽ làm cho bánh mì mốc mau hơn. Ngược lại, bánh mì để trong túi plastic và cho vào tủ lạnh, có thể bảo quản được lâu hơn.
6. Các loại mứt
Mứt và bơ cần được lưu giữ khác nhau. Đó là lý do tại sao phải đọc kĩ lời khuyên ghi trên bao bì. Mật ong là một trong những thực phẩm hiếm hoi không bao giờ bị hỏng nhờ vào thành phần độc đáo của nó. Lý do khiến mật ong tự bảo quản tốt như vậy là do vi khuẩn không thể phát triển trong mội trường mật ong. Vì vậy, mật ong có thể chịu được nhiệt độ bình thường chung quanh. Để trong tủ lạnh, mật ong sẽ kết tinh, nhưng hoàn toàn có thể ăn được.
7. Lá hung dổi và rau mùi tây
Một số loại thảo mộc như rau mùi và bạc hà có thể lưu trữ tốt trong ngăn bảo quản rau của tủ lạnh, nhưng phải được bọc trong giấy hút nước và để trong hộp kín.
Ngược lại, rau hung dổi (basilic) và rau mùi tây (persil) sẽ héo ở trong tủ lạnh. Aloysa Hourigan cho biết: “Không khí khô trong tủ lạnh làm cho lá héo mau hơn”.
Để bảo quản tốt rau húng dổi và rau mùi tây, hãy cắt phần dưới thân cây, đặt chúng vào cái lọ với một ít nước và để ở nơi mát mẻ. Cần phải thay nước và cắt phần dưới cùng thân cây mỗi ngày.
8. Thức ăn nóng còn dư
Để thức ăn nóng trong tủ lạnh có thể làm giảm đáng kể nhiệt độ trong tủ và ảnh hưởng đến các thực phẩm khác. Điều tốt nhất nên làm với thức ăn dư thừa là để thức ăn đó nguội ở nhiệt độ tự nhiên bên ngoài trước khi cho nó vào tủ lạnh.
9. Trứng
Có thể bảo quản trứng được lâu hơn nếu để trong tủ lạnh, nhưng không nhất thiết phải làm như thế. Ngược lại, một khi đã để trứng trong tủ lạnh thì phải giữ nó ở nhiệt độ trong tủ lạnh. Ví dụ, nếu mua trứng đã bảo quản trong tủ lạnh, bạn nên cho nó vào tủ lạnh khi về nhà, ngay cả sau khi làm sạch chúng.
Mặt khác, nên để trứng trong vĩ hay hộp các tông để ngăn trứng hấp thụ mùi bên ngoài. Vĩ các tông còn giúp ghi nhớ hạn chót sử dụng trứng.
Aloysa Hourigan khuyên nên loại trứng bị bể và đừng rửa trứng trong nước vì võ trứng có nhiều lỗ xốp tạo điều kiện cho vi khuẩn phát triển. Aloysa kết luận: “Nếu một quả trứng trông bẩn, tốt nhất là làm sạch nó bằng khăn giấy khô. Nếu vẫn không làm cho trứng sạch được thì nên loại bỏ nó”.
Huỳnh Thị Hoa Kỳ
Theo DoanhNhân+
Link nguồn: https://doanhnhanplus.vn/9-loai-thuc-pham-khong-nen-cho-vao-tu-lanh-508444.html