fbpx

7 lời khuyên cho phụ huynh quản lý trẻ sử dụng thiết bị di động tốt hơn

Trong một thế giới mà trẻ em đang lớn lên cùng sự phát triển từng ngày của những thiết bị di động, điều quan trọng là cần phải giúp trẻ nhận thức được các khái niệm lành mạnh về việc sử dụng chúng. Phụ huynh đóng một vai trò rất quan trọng trong việc giảng dạy các kỹ năng này.

Có thể thấy số lượng trẻ em tại Việt Nam “nghiện” thiết bị di động ngày càng tăng. Thậm chí, theo một số báo cáo thống kê thì con số này còn cao hơn cả các nước phát triển như Mỹ. Dưới đây là 7 lời khuyên để giúp các bậc phụ huynh có thể quản lý tốt hơn việc cho con trẻ sử dụng các thiết bị di động.

1. Hãy là một tấm gương tốt

Trẻ em có một khả năng đặc biệt là bắt chước rất hay và nhanh nhạy. Chính vì thế, cách bạn hành xử trên mạng và sử dụng thiết bị di động hàng ngày sẽ tác động tới hành vi của trẻ. Để dạy được trẻ, bạn phải là một tấm gương tốt!

2. Kiểm soát các thiết bị và nội dung số của trẻ

Không nên để trẻ quá tự do dùng smartphone như thế này.

Một vài phụ huynh có quan điểm cần phải tôn trọng tự do của trẻ, không nên kiểm soát trẻ, nhưng trong trường hợp này thì không nên. Sử dụng thiết bị di động cũng giống như tất cả các hoạt động khác, nên có chừng mực. Nên giới hạn số giờ sử dụng thiết bị di động trong ngày của trẻ. Đồng thời, cần thiết kế ổ cắm điện ở xa giường ngủ của trẻ, để sau khi đi chơi về cho trẻ ngủ ngon giấc hơn, thay vì phải cắm sạc thiết bị di động để chơi tiếp.

Bên cạnh đó, bạn cần nắm rõ danh sách bạn bè của con em mình cả online (ảo) và offline (thực tế). Có kiến thức về những nền tảng, phần mềm và các ứng dụng mà trẻ đang sử dụng. Tìm hiểu xem trẻ thường xuyên truy cập vào trang web nào và những gì chúng đang thể hiện trên mạng có ổn không. Bạn có thể giới thiệu, chia sẻ kinh nghiệm và quan điểm của bản thân về các vấn đề đang diễn ra trên mạng cho trẻ hiểu.

3. Thường xuyên tụ họp gia đình, dẫn trẻ đi chơi

Hãy lên lịch cho trẻ được đi chơi nhiều hơn.

Sự giao tiếp với gia đình được xem là giải pháp hữu hiệu cho các hoạt động truyền thông, khuyến khích sự tương tác xã hội, liên kết và học tập cho trẻ. Bạn có thể lên lịch cho trẻ tham gia các chuyến đi cùng gia đình của anh chị em trong nhà hoặc bạn thân, để có khoảng thời gian tạm xa lánh các thiết bị di động, chuyên tâm thư giãn, vui chơi ở khu du lịch nào đó.

4. Khuyến khích giao tiếp mặt đối mặt

Hạn chế tối đa để trẻ ngồi một mình “tự kỷ” với thế giới ảo. Bạn nên tương tác cùng trẻ để có thể chỉ ra những điều hay lẽ phải của các vấn đề đang diễn ra trên mạng. Trẻ sẽ học tốt hơn thông qua giao tiếp hai chiều (người nói và người nghe). Dành nhiều thời gian nói chuyện với trẻ là một điều hết sức quan trọng cho sự phát triển.

Cần giao tiếp với trẻ nhiều hơn.

Cuộc trò chuyện có thể mặt đối mặt, hoặc nếu bạn bận đi công tác xa để trẻ ở nhà với ông bà thì có thể gọi video trực tiếp cũng là một ý rất hay. Nghiên cứu đã chỉ ra rằng, khi giao tiếp mặt đối mặt với nhau sẽ cải thiện kỹ năng ngôn ngữ hơn rất nhiều so với “thụ động” chỉ nghe hay tương tác một chiều với màn hình.

5. Chọn lọc ứng dụng, trò chơi cho trẻ

Trên các kho ứng dụng có hàng vạn ứng dụng, trò chơi được gắn nhãn giáo dục. Tuy nhiên, không phải tất cả đều phù hợp cho con bạn. Bạn nên chọn ra ứng dụng, trò chơi nào phù hợp nhất cho độ tuổi của trẻ mà thôi.

Mẹo nhỏ là trên CH Play (Google Play Store của thiết bị Android) hoặc App Store (của thiết bị iPhone, iPad) đều có phân loại các ứng dụng, trò chơi cho trẻ ở mục Gia đình – nơi mà bạn có thể tìm một ứng dụng phù hợp cho trẻ mà không mất quá nhiều thời gian.

Hãy chọn lọc ứng dụng, trò chơi và thiết bị phù hợp cho con bạn.

Hãy chọn lọc và ưu tiên những ứng dụng, trò chơi offline không cần kết nối mạng. Đơn giản vì nếu online, trẻ sẽ dễ tiếp xúc với nhiều mối nguy hơn, việc giới hạn của bạn cũng sẽ khó khăn hơn.

6. Đừng quá khắt khe, la mắng trẻ

Thiết bị di động và thế giới ảo luôn có sức hút và sự cám dỗ rất lớn, đặc biệt là đối với trẻ nhỏ. Hãy cư xử một cách đồng cảm khi trẻ mắc sai lầm. Trong trường hợp này, bạn nên ngồi xuống và nói chi tiết ngọn ngành cho trẻ hiểu, rồi sau đó đưa ra biện pháp hiệu quả để trẻ không vi phạm nữa.

7. Không dùng thiết bị số để trẻ giữ yên lặng

Hãy dành thời gian chơi với trẻ nhiều hơn, thay vì giao cho chúng một chiếc điện thoại hoặc máy tính bảng!

Khi trẻ khóc hoặc quấy, có rất nhiều cách để “kiểm soát” cảm xúc của trẻ mà không cần dùng đến thiết bị di động. Vấn đề này bạn phải quyết đoán chứ đừng thấy khó mà cho qua, lâu ngày sẽ thành thói quen và sẽ khó có thể nuôi dạy trẻ tốt hơn. Hồi xưa, cái thời mà thiết bị di động chưa phổ biến, các bậc phụ huynh vẫn có cách vui đùa cùng trẻ thoải mái cả ngày đấy thôi.

Xem thêm: Có nên cho trẻ vừa ăn vừa xem điện thoại?

Hy vọng, sau bài viết này các bậc phụ huynh sẽ có thêm kiến thức hữu ích để nuôi dạy trẻ tốt hơn trong thời đại kỹ thuật số “bùng nổ” như hiện nay.

Vũ Thành

CÙNG CHUYÊN MỤC