fbpx

3 địa điểm lý tưởng để đi dạo ven sông

Trong các chuyến du lịch của mình, hẳn bạn luôn dành một khoảng thời gian nhất định để dạo phố. Gợi ý sau đây sẽ khiến cho những hành trình đến Huế, Đà Nẵng, Cần Thơ của bạn thêm nhiều thú vị.

Hầu như bất cứ thành phố lớn nhỏ nào ở nước ta, bạn cũng có thể đi dạo, nhưng lý tưởng nhất, thoải mái nhất và thậm chí đòi hỏi thời gian nhiều nhất nhưng bù lại phong cảnh đẹp đẽ trữ tình nhất, thì phải nói đến 3 nơi: tuyến phố đi bộ hai bờ sông Hương – Huế; tuyến đi bộ ven sông Hàn – Đà Nẵng và tuyến đi bộ ven sông Hậu – Cần Thơ. Đây cũng là 3 tuyến đường đi bộ – vỉa hè ven sông dài nhất hiện nay ở Việt Nam.

Phố đi bộ ven sông Hương

Con sông Hương chảy qua thành phố Huế, với hai bên bờ sông là những khoảng xanh công viên, tuyến phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu vốn quen thuộc với người  dân bản xứ và du khách.

Cầu đi bộ ven sông Hương với mặt sàn làm bằng gỗ lim.

Con phố này càng gợi cảm hứng đi bộ nhiều hơn kể từ khi xuất hiện cây cầu đi bộ ven bờ sông Hương có mặt sàn lót gỗ lim, là điểm đến được ưa chuộng bậc nhất của người dân xứ Huế và du khách. Cây cầu nằm trong dự án mạng lưới kết nối hệ thống tuyến đường đi bộ phía Nam sông Hương, dài 400m, rộng 4m. Cầu kết nối phố đi bộ Nguyễn Đình Chiểu, đoạn từ cầu Trường Tiền, băng qua gầm cầu Phú Xuân đến công viên Lý Tự Trọng, trở thành nơi lý tưởng để ngắm sông Hương và cầu Trường Tiền.

Người dân nghỉ chân chuyện trò ở khuôn viên Phu Văn Lâu, nơi có tuyến đi bộ mới ven sông Hương ngang qua.

Nay, Huế còn có tuyến đi bộ mới, mang một vẻ đẹp khác, bên bờ Bắc sông Hương. Con đường này tạo nên một trục song song với tuyến đường đi bộ dọc bờ Nam sông Hương rất ấn tượng.

Quang cảnh con đường đi bô dài tít tắp, nằm dưới những tán cây trong đêm.

Khác với sự hiện đại, hệ thống cầu gỗ lim ở bên kia bờ thì đường đi bộ dọc sông bờ Bắc sông Hương thơ mộng, dân dã hơn bởi nép dưới tán rất nhiều cây xanh, trong đó nhiều cây xanh cổ thụ. Dọc bờ sông này vốn có nhiều cây cỏ không xén tỉa theo lối tỉa tót tỉ mỉ, tạp tiểu cảnh của một công viên thông thường, cây cối mọc khá tự nhiên nên tạo cảm giác như đi bộ trong những khoảnh rừng nho nhỏ chạy dài theo bờ sông. Khác với hình ảnh nhếch nhác ở dưới chân cầu Trường Tiền và Phú Xuân từ nhiều năm trước, nay tuyến đường đi bộ này được thiết kế đi qua dưới cả hai chân cầu sạch đẹp, trở thành điểm dừng chân lý thú.

Cầu Phú Xuân nhìn từ con phố đi bộ ven sông Hương.

Con đường khi chạy thẳng tít tắp, được ốp đá xuyên suốt thay cho những lớp đá xuống cấp từ trước, cong cong nép mình dưới cây cỏ,  những hôm lá rụng rơi đầy thì thật lãng mạn đúng kiểu Huế. Đêm đêm, nơi đây không chỉ là chỗ tập thể dục, chạy bộ, đạp xe…, mà còn là dịp để bạn có thể ngắm dòng sông đêm và nhịp sống mưu sinh của những con đò Huế.

Con đường này có những quãng cho người đi bộ ngồi nghỉ, nhìn ra nhịp mưu sinh về đêm ven sông Hương.

 Con đường này, đã được làm xong đoạn kéo dài từ cầu Trường Tiền đến dạ cầu Dã Viên. Hiện Huế đang chuẩn bị triển khai làm tiếp tuyến đường đi bộ từ cầu Dã Viên lên đến chùa Thiên Mụ (bờ Bắc), trạm Thủy Văn Kim Long (bờ Nam) với chiều dài khoảng 2km. Đây là tuyến đường dự kiến sẽ hình thành đường đi bộ hai bờ sông Hương có chiều rộng mặt đường khoảng 10,5m, mặt cắt đường chính 4,5m, du khách sẽ có dịp tha hồ chọn lựa sự tản bộ hai bên bờ sông Hương tùy ý.

Phố và cầu đi bộ Cần Thơ

Cầu đi bộ Cần Thơ bắc qua rạch Khai Luông, nối bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế từ hơn 4 năm nay luôn thu hút nhu cầu tản bộ, tham quan với người dân bản xứ và du khách.

Hoàng hôn, nhìn từ lối đi ven sông trước khi lên cầu đi bộ Cần Thơ.

Cầu đi bộ Cần Thơ được thiết kế cách điệu hình chữ S uốn cong mềm mại tượng trưng cho nước Việt, dài khoảng 200m, rộng cỡ 7,2m, có kinh phí đầu tư gần 50 tỷ đồng. Cầu có hai đài sen cách điệu duyên dáng, trở thành điểm ở hai đầu cầu, luôn rực rỡ đèn khi đêm về. Giới trẻ thì thích gọi đây là cầu Tình yêu vì rất nhiều cặp đôi ưa tìm đến đây tình tự, hẹn hò.

Lối đi bộ, tập thể dục thoáng mát ven sông Hậu, phía cồn Cái Khế.

Phong cảnh bến Ninh Kiều thì đã quá quen thuộc trong thơ ca, nay khách đi dạo công viên bên sông này không phải ngậm ngùi tiếc rẻ dừng bước trước ngã ba sông Hậu, mà thoải mái bước lên cây cầu đi bộ Ninh Kiều, hít gió sông để đi loanh quanh trên cầu vãn cảnh. Cầu đi bộ có vị trí khá đẹp khi nằm giữa ngã ba sông Hậu, đứng từ trên cầu có thể nhìn khá rõ cầu Cần Thơ, cồn Ấu và gần như toàn cảnh bến Ninh Kiều. Đây cũng là cái hay của cây cầu khi nối đôi bờ bến Ninh Kiều và cồn Cái Khế, thành một tuyến đi bộ ven sông liên hoàn đầy thú vị.

Cầu đi bộ Cần Thơ , hay còn gọi là cầu Tình yêu, đêm về.

Ở đây có thể ngắm trải khá đầy đủ cảnh sông nước miền Tây. Một góc thành phố Cần Thơ phía sau hay mênh mang sông nước Hậu giang phía trước và cây cầu dây văng Cần Thơ xa xa ẩn hiện giữa nước và màu xanh cây cỏ. Rồi tiếp bước bờ bên kia cồn Cái Khế với lối đi bộ ôm theo sông và tận con rạch trong phố. Bên là sông nước, bên là khung cảnh xanh mướt của nhà vườn, biệt thự, resort chạy dài cặp theo sông, lần lượt nối tiếp là vỉa hè phố thị hiện ra khiến bước chân tản bộ không bị nhàm chán.

Cây cầu nối liền tuyến đi bộ này là một trong những điểm tham quan thu hút đông khách du lịch nhất của Cần Thơ

Cầu đi bộ đã trở thành một trong những điểm thu hút khách đông nhất Cần Thơ, mỗi ngày có khoảng 5.000-10.000 lượt khách tham quan, đông nhất từ 17 giờ, khi trời bắt đầu tắt nắng đến tận đêm khuya.

Đường Bạch Đằng, Như Nguyệt ven sông Hàn

Nếu như phố đi bộ ở Cần Thơ, Huế được hình thành và thiết kế quy hoạch rõ ràng cho chức năng này, thì ở Đà Nẵng, đó là chuyện tình cờ 2 trong 1 ở vỉa hè dọc đường Bạch Đằng, Như Nguyệt chạy dọc bờ Tây con sông Hàn. Đây cũng chính là phần trung tâm nhất, chảy qua những khung cảnh đẹp đẽ, trữ tình nhất của thành phố biển này. Vỉa hè toàn tuyến này rất rộng, có thể nói đây là hai con đường có vỉa hè rộng nhất Đà Nẵng. (Thật ra, ở bờ Đông sông Hàn, cũng có khu công viên vỉa hè chạy dài theo sông, nhưng chưa liền mạch, nhiều đoạn quy hoạch, thi công còn dở dang, nên chưa hình thành tuyến đi bộ đẹp đẽ và thú vị như bên bờ Tây sông).

Một đoạn đường Bạch Đằng nối dài, với vỉa hè rộng mênh mông tha hồ cho du khách hóng gió, tản bộ,tập thể dục…

Kể từ khi đoạn đường Bạch Đằng nối dài, đoạn từ công viên Apec đến chân cầu Nguyễn Văn Trỗi hoàn tất, xem như tuyến đi bộ được nối dài liền mạch với chiều dài tương đương khoảng 6km, kéo dài tới chân cầu Thuận Phước. Đi bộ đầy đủ tuyến này, là bạn đã đi qua và có dịp tham quan những cây cầu xinh đẹp và nổi tiếng nhất của Đà Nẵng như cầu Trần Thị Lý, Nguyễn Văn Trỗi, cầu Rồng, cầu sông Hàn và cầu Thuận Phước. Đi dưới dạ cầu sẽ cho nhiều góc nhìn khác nhau về những cây cầu mà nếu đi xe lên cầu, bạn khó có thể dành thời gian mà ngắm nghía vẻ đẹp của chúng.

Đường Bạch Đằng, đoạn gần cầu sông Hàn. Đây cũng là địa điểm lý tưởng để chờ ngắm cầu sông Hàn quay.

Ngoài ngắm cầu ra, bạn có thể ngắm gì? Ngắm những sự thay đổi qua từng khúc sông, chẳng hạn như đoạn đường Như Nguyệt như một làng chài còn sót lại bên phố với nhấp nhô những con đò nhỏ. Nhịp sinh hoạt phố chợ của người dân thành phố có thể hiện rõ khi trên tuyến đường này, bạn có thể nhìn thấy người dân thành phố ra bờ sông hóng gió, tụ tập chơi cờ, tập thể dục, chơi nhạc, chơi thể thao, hay đổ đầy hoa ra bán ở đoạn ngang qua chợ Hàn… Những điểm đến ưa chuộng của Đà Nẵng cũng nằm gần với trục đường này, chỉ mấy mươi bước thôi, là đã đến nhà thờ Con Gà, chợ Hàn, bảo tàng điêu khắc Chăm, bảo tàng Đà Nẵng…

Khung cảnh nhìn từ một quán cà phê ven sông trên tuyến đường đi bộ dọc sông Hàn, với hình ảnh quen thuộc của một người bắt cá ven sông ngay trung tâm thành phố.
Quang cảnh thường thấy khi bạn đi bộ ngang qua khu cảng Đà Nẵng cũ.

Vỉa hè đường Như Nguyệt khi hoàng hôn, cũng là lúc người dân địa phương ra đây hóng mát, tập thể dục, vui chơi.

Mệt, nghỉ chân, không hề thiếu những quán nước bên đường, giá nào cũng có, thức uống gì cũng có, từ quán nước bình dân đến cà phê sang trọng, bar, club… đủ loại. Sắp tới, khu chợ đêm gần bảo tàng điêu khắc Chăm đi vào hoạt động, sẽ làm quãng đường mới nhất của tuyến đường này thêm sôi động.

Kể như thế để thấy sự thú vị của các tuyến phố nói trên đủ sức níu chân bạn tản bộ!

Sơn Trà

 

 

 

 

 

CÙNG CHUYÊN MỤC